Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quốc hội thảo luận về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội

(VOH) – Các đại biểu cho rằng trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội... của thành phố Hà Nội.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 12/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành công tác nhân sự, phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, các đại biểu cho biết mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời, căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định số 63 của Chính phủ quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội. Tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã và đang gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội ở Hà Nội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội. Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng việc cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội sẽ góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận cho biết: “Tôi ủng hộ việc xem xét và bổ sung cơ chế chính sách về tài chính ngân sách cho phép thủ đô thành phố Hà Nội để huy động nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách cho thành phố phù hợp với thực tế phát triển đứng trước mục tiêu từ nay đến năm 2025 xây dựng và phát triển thủ đô giàu đẹp văn minh hiện đại tiêu biểu cho cả nước xứng đáng là thủ đô là động lực phát triển của vùng và của cả nước. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh thành phố đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn giai đoạn 2015 - 2020 trở thành đô thị phát triển năng động và có sức cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế và thực hiện cơ chế chính sách riêng cho Hà Nội tôi cho là cần thiết.”

Các ý kiến cũng đồng tình cao với việc sử dụng ngân sách tài chính của Hà Nội để hỗ trợ các địa phương khó khăn theo tinh thần vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước. Một số ý kiến cho rằng, việc Hà nội xin điều chỉnh về phí và lệ phí phụ thuộc vào dịch vụ công, nếu có thêm nguồn này Hà nội sẽ có dịch vụ tốt hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn thành phố Hà Nội nêu: “Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên mà còn dư dôi thì đầu tư cho các công trình cấp bách. Như vậy, tôi thấy rằng thực chất tức là chúng ta tiết kiệm chi thường xuyên cho việc chi đầu tư, chúng ta đang khuyến khích việc này thì không lý do gì mà chúng ta lại không đồng tình để Hà Nội được thực hiện đi đầu trong việc này. Thứ hai là cơ chế Hà Nội xin đề xuất sử dụng ngân sách của thành phố để hỗ trợ cho những địa phương khác trong điều kiện gặp khó khăn thì rõ ràng đây là tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước cũng không có lý do gì mà chúng ta phải băn khoăn khi thông qua cơ chế này.”

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu đều tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết cho phép thành phố thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện để phát triển thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học của cả nước, và khẳng định vai trò đầu tàu động lực của Thủ đô Hà Nội ở phía Bắc vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc từ đặc thù, một số đề nghị về quyền ban hành về phí lệ phí nên ban hành hợp lý, tránh quá cao, cần có sự đồng thuận của nhân dân. Đề nghị giao cho thành phố rà soát kỹ thêm một số chính sách. Các chính sách này nên được đánh giá đầy đủ, sát với tình hình thực tế.

“Các ý kiến đề nghị sớm sửa luật Thủ đô để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm và phản ánh đầy đủ. UBTVQH sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại hội trường hôm nay cũng như ý kiến thảo luận tại tổ để từ đó hoàn chỉnh lại Nghị quyết, trình QH thông qua.”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu.

Cũng trong sáng 12/6, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Đẩy nhanh tiến độ khai thác quỹ đất dọc tuyến metro số 1 - UBND TPHCM cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập danh mục quỹ đất, xác định diện tích, pháp lý từng khu đất để đề xuất giải pháp quy hoạch, chức năng sử dụng đất.
Kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Để triển khai hiệu quả quy định về tiền lương tối thiểu vùng, UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch ...
Bình luận