Chờ...

Quy định mới về việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan

VOH - Ngày 18/8, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ký ban hành Quy định 117 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Quy định gồm 4 chương; quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự, thủ tục xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Theo Quy định 117, kỷ luật oan là việc tổ chức đảng, đảng viên không vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận có vi phạm và thi hành kỷ luật.

Xin lỗi tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan là việc tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan tổ chức xin lỗi và cải chính công khai đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan là việc tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền phục hồi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tổ chức đảng, đảng viên.

đảng viên
Tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan sẽ được xin lỗi và phục hồi quyền lợi.

Xem thêm: Đảng viên và tổ chức Đảng phải kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan trên nguyên tắc: Thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải kịp thời, công khai, khách quan. Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan chịu trách nhiệm tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi.

Chỉ thực hiện xin lỗi, phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan một lần khi có kết luận hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền xác định kỷ luật oan.

Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan phải chủ động, kịp thời báo cáo ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp; phối hợp với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên; quyết định bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan.

Trường hợp tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan đã giải tán, giải thể, kết thúc hoạt động, chuyển giao, chia tách, sáp nhập thì tổ chức đảng tiếp nhận hoặc tổ chức đảng cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.

Đảng viên bị kỷ luật oan đã qua đời, toà án tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự thì tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan tổ chức xin lỗi đối với thân nhân đảng viên. Khi tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bố mất tích thì tổ chức đảng kỷ luật oan xem xét phục hồi quyền lợi cho đảng viên theo quy định.

Việc bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thời hạn thực hiện việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi

Quy định 117 nêu rõ, trong thời hạn 90 ngày, tính từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành kết luận hoặc quyết định xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan thì tổ chức đảng đã kỷ luật oan, các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi.

Trường hợp bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh…), thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi.

Về trình tự, thủ tục, ngay sau khi ban hành kết luận, quyết định xác định việc kỷ luật oan thì tổ chức đảng phải gửi văn bản đến tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận, quyết định của cấp có thẩm quyền thì tổ chức, đảng viên bị kỷ luật oan gửi văn bản đề nghị xin lỗi, phục hồi quyền lợi đến tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận, quyết định về việc đã kỷ luật oan thì tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan có trách nhiệm: Thông báo bằng văn bản đến tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan (hoặc thân nhân đảng viên) về việc tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi; Thu hồi, bãi bỏ quyết định kỷ luật oan; đồng thời gửi đến cơ quan, tổ chức nơi đảng viên đang công tác, sinh hoạt để thu hồi, xoá bỏ quyết định kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể đối với đảng viên (nếu có); Phục hồi quyền lợi hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phục hồi quyền lợi của tổ chức, đảng viên bị kỷ luật oan; 

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện phục hồi quyền lợi của tổ chức, đảng viên theo quy định.

Quy định 117 nêu rõ về hình thức xin lỗi gồm: Tổ chức hội nghị công khai xin lỗi tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan; công bố công khai việc xin lỗi.

Tổ chức đã quyết định kỷ luật oan công bố nội dung xin lỗi gửi các tổ chức đảng trực thuộc; đăng công khai trên báo chí của địa phương, trang thông tin điện tử (nếu có) của cấp ủy cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng, đảng viên đã bị kỷ luật oan, nơi đang cư trú hoặc làm việc.

Về phục hồi quyền lợi: Tổ chức đảng bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo xem xét lại việc đánh giá phân loại hằng năm và nhiệm kỳ; xem xét việc xếp loại danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng định kỳ, đột xuất (nếu có).

Tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc thành lập lại, chỉ định nhân sự cấp ủy lâm thời, chỉ đạo việc tổ chức đại hội cấp ủy theo quy định (nếu có đủ điều kiện).

Tổ chức đảng đã kết thúc hoạt động, giải thể, chuyển giao, chia tách, sáp nhập thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét, đánh giá phân loại hằng năm và nhiệm kỳ; xem xét lại xếp loại danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng định kỳ, đột xuất (nếu có) và thông báo cho tổ chức đảng kế thừa, tiếp nhận tổ chức đảng đó.

Đảng viên bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì được phục hồi lại các quyền lợi đã bị ảnh hưởng theo quy định (nhận xét, đánh giá, điều kiện quy hoạch, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng…). Đảng viên bị kỷ luật cách chức hoặc cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm (nếu có)... thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, tình hình thực tế của cơ quan, địa phương, đơn vị để xem xét phục hồi chức vụ hoặc bố trí vào vị trí công tác, chức vụ tương đương.

Đảng viên bị kỷ luật khai trừ hoặc đã ra khỏi Đảng thì tổ chức đảng có thẩm quyền phục hồi đảng tịch, phục hồi quyền đảng viên hoặc công nhận là đảng viên (nếu cá nhân có đơn). Tuổi đảng được tính liên tục trong cả thời gian bị kỷ luật oan (trường hợp bị kỷ luật khai trừ). Cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tế để bố trí vị trí công tác phù hợp, nếu không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí công tác thì được nghỉ công tác và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phục hồi quyền lợi hợp pháp cho đảng viên trong việc cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung quy hoạch, giới thiệu ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh và phụ cấp lương (nếu có); phong, xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng theo quy định.

Tổ chức đảng có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo việc cải chính các thông tin kỷ luật trong hồ sơ, lý lịch của đảng viên...

Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc và cần bổ sung, sửa đổi thì báo cáo Bộ Chính trị (qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương) xem xét, quyết định.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện Quy định; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.