Chờ...

Quyết tâm bám giữ lấy rừng ngập mặn Cần Giờ

(VOH) - "Tôi yêu rừng vì được tạo điều kiện tốt cho gia đình nên dù có chết tôi vẫn bám đất bám rừng để sống”.

Trước chiến tranh, rừng ngập mặn Cần Giờ là một vùng rộng lớn với hơn 40.000 hécta cùng với hệ động vật vô cùng đa dạng và phong phú. Qua hai cuộc chiến tranh, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bom đạn và chất độc hóa học tàn phá dữ dội đã làm nơi đây trở thành vùng đất chết. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng ngập mặn Cần Giờ, ngay sau khi tiếp nhận huyện Cần Giờ từ tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Trung ương và UBND TP.HCM đã chỉ đạo triển khai ngay việc trồng lại rừng ngập mặn Cần Giờ.

Rừng ngập mặn Cần Giờ, Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Điểm nhấn là năm 1990, Ban Quản lý Rừng phòng hộ môi trường TP (nay là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ) tiến hành thí điểm giao khoán cho 10 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng đầu tiên. Nhận thấy hiệu quả từ việc giao khoán bảo vệ rừng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ đã tiếp tục mở rộng việc giao khoán bảo vệ rừng. Tính đến thời điểm hiện nay, đã giao khoán cho 14 đơn vị và gần 150 hộ dân với tổng diện tích khoảng 16.000 hécta.

Với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, thành phố, bằng ý chí quyết tâm bám và bảo vệ rừng, chính quyền và người dân Cần Giờ đã biến những khu đất hoang hóa trở thành cánh rừng bạt ngàn, xanh tươi, tạo cảnh quan đẹp và môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài động thực vật phát triển, xứng đáng là lá phổi xanh của thành phố và các tỉnh lân cận.

Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của những người giữ rừng, họ đã sống và gắn bó ngày đêm với rừng và xem sự sống của rừng là sự sống của gia đình mình. Bên cạnh đó, từ nhiều chính sách, đãi ngộ của nhà nước, nhiều hộ giữ rừng phấn khởi hơn vì đời sống được nâng lên. Anh Nguyễn Thanh Lương, một trong 10 hộ đầu tiên nhận khoán giữ rừng ở Phân khu III, xã Tam Thôn Hiệp kể lại: “Năm 1990, 10 hộ dân chúng tôi nhận khoán giữ rừng thí điểm đầu tiên. Lúc đó cũng ghê lắm vì chết sống với bọn lâm tặc nhưng chúng tôi bám giữ kiên trì đến ngày hôm nay. Cũng nhờ Nhà nước, Ban quản lý, về lương, về vật chất đời sống của chúng tôi đã ổn định, thoải mái. Nhà cửa đã được nhà tường chứ không như ở nhà lá như xưa. Ban quản lý điều đi học về phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu trong rừng,… Ban điều đi học là bà con chúng tôi đều chấp hành”.

Cũng là hộ giữ rừng ở phân khu III, anh Nguyễn Văn Thu tâm sự: Gần 25 năm giữ rừng đã gắn bó với tôi nhiều thứ để đến hôm nay tôi cảm thấy yêu rừng thật sự và muốn bảo vệ, muốn sống cùng với nó. Tôi nhận thấy để bảo vệ tốt cho rừng, phải bảo vệ từng động vật trong rừng dù là nhỏ bé. Rừng đã bảo vệ mình thì mình phải yêu nó… “Mưa dầm thấm lâu. Từ học tập huấn kỹ năng rồi dần dần khơi lại giá trị có lợi của rừng. Gia đình dù khó khăn vẫn phấn đấu giữ rừng tốt theo như đã hứa với lãnh đạo TP kể từ khi nhận khoán giữ rừng và nay đã ổn định, con cái được đi học. Nếu mà không tâm đắc với rừng thì không giữ rừng”, anh Thu chia sẻ.

Từ sự gắn bó đến tình yêu rừng còn có một giá trị đặc biệt đối với những hộ giữ rừng, đó là rừng đã giúp họ có điều kiện nuôi dạy con cái được học hành tới nơi, tới chốn. Bà Nguyễn Kim Chưởng, hộ giữ rừng phân khu III phấn khởi nói: “Ngày giữ đất giữ rừng tới bây giờ thì con cái ăn học tới nơi tới chốn, đảm bảo đời sống mình như ngày hôm nay. Tôi yêu rừng vì tạo điều kiện tốt cho gia đình nên dù có chết tôi vẫn bám đất bám rừng để sống”.

Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, 10 hộ giữ rừng đầu tiên này được lãnh đạo Ban rất trân trọng và xem như những cánh chim đầu đàn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ tài nguyên rừng cho hộ gia đình và tổ chức đóng quân trên địa bàn huyện Cần Giờ là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của lãnh đạo TPHCM góp phần to lớn trong việc bảo vệ tốt hệ sinh thái rừng ngập mặn, thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, lãnh đạo thành phố và huyện tập trung quan tâm những chính sách hợp lý, giúp ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ trực tiếp giữ rừng. Qua nhiều lần điều chỉnh, từ mức 50.000đồng/hécta/năm vào năm 1993 thì đến nay, hộ giữ rừng được nhận bình quân gần 1.200.000 đồng/hécta/năm. Hộ giữ rừng còn được chăm lo về nhà ở, điện thắp sáng, bồn dự trữ nước uống, khám sức khỏe... Từ đó, 100% hộ giữ rừng đã có thu nhập vượt chuẩn nghèo của thành phố.

Sau 25 năm triển khai chủ trương giao khoán bảo vệ rừng đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Thành quả này khẳng định ý chí quyết tâm của Trung ương, thành phố, của huyện và sự góp sức không ngừng nghỉ của nhân dân Cần Giờ nói chung và hộ giữ rừng nói riêng. Chính các hộ giữ rừng đã làm nên mảng xanh kỳ tích cho thành phố. Ngày nay, với cảnh quan tươi đẹp, môi trường trong lành, rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành địa điểm tham quan, du lịch sinh thái lý tưởng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ còn được ví như một phòng thí nghiệm tự nhiên to lớn, nơi các nhà khoa học, sinh viên, học sinh đến nghiên cứu, học tập và Rừng ngập mặn Cần Giờ đang là 1 trong 3 điểm đáng tham quan nhất tại Việt Nam của du khách quốc tế.