Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sắp xếp Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT: Đảm bảo không để khoảng trống quản lý

VOH - Sáng 9/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp tại Trụ sở Chính phủ, thảo luận về đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cuộc họp nhấn mạnh việc tái cơ cấu nhằm đảm bảo quản lý nhà nước hiệu quả, không để xảy ra khoảng trống hay chồng chéo nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo hai bộ làm rõ các lĩnh vực quản lý đặc thù và giao thoa, đề xuất phương án sắp xếp các đơn vị trực thuộc. Các lĩnh vực có sự giao thoa sẽ được tích hợp để quản lý thống nhất và thông suốt, đồng thời bảo đảm không xảy ra tình trạng bỏ sót chức năng quản lý.

Đối với các đơn vị chuyên ngành, lãnh đạo hai bộ cam kết tinh gọn bộ máy tối đa và rà soát toàn diện các đơn vị tham mưu, tổng hợp, sự nghiệp để bảo đảm hiệu quả hoạt động.

Tran Hong Ha
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc hợp nhất cần dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, hướng đến một hệ thống quản lý tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. “Không hợp nhất một cách cơ học, mà phải phát huy tinh thần khoa học, khách quan và dân chủ,” ông nói.

Thành lập tổ công tác và xử lý các vướng mắc pháp lý

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT thành lập tổ công tác liên ngành, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan để triển khai đề án hợp nhất. Tổ công tác sẽ rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết các vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định pháp luật và đề xuất phương án xử lý phù hợp.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, cũng như bài học quốc tế để xây dựng đề án hợp nhất, đảm bảo tính kế thừa và ổn định.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là đảm bảo không để khoảng trống trong quản lý nhà nước. Phó Thủ tướng yêu cầu duy trì sự liên thông trong hoạt động của các bộ và có kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng hiệu quả sau khi hợp nhất. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp để hướng dẫn tiêu chí sắp xếp, phân bổ cán bộ, công chức, viên chức một cách khoa học và minh bạch.

Việc hợp nhất hai bộ được xem là bước tiến quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ chính trị lớn, nhằm giảm bớt đầu mối quản lý, tối ưu hóa nguồn lực và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, với quyết tâm cao và sự đồng thuận của các bên, đề án này sẽ tạo tiền đề quan trọng để xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, phù hợp với bối cảnh phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Bình luận