Trong vòng 30 ngày (17/09/2018 đến 17/10/2018), người dân có thể đóng góp thông qua địa chỉ thư điện tử qlctr.stnmt@tphcm.gov.vn. Nội dung chi tiết của đồ án quy hoạch được Sở Tài nguyên & Môi trường đăng tải tại trang điện tử http://www.donre.hochiminhcity.gov.vn.
Theo ước tính năm 2017, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn TPHCM khoảng 9.000-9.500 tấn/ngày trong đó chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.900 tấn/ngày đêm, chất thải rắn xây dựng khoảng 1.500 tấn/ngày đêm. Tỷ lệ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 5-6%/năm.
Người dân TPHCM bỏ đi khoảng 9.000-9.500 tấn rác/ngày (Ảnh: moitruong24h)
Lượng chất thải nguy hại phát sinh cũng có xu hướng gia tăng, lượng chất thải nguy hại ước tính khoảng 150.000 tấn năm (trung bình 350 - 400 tấn/ngày) trong đó chất thải nguy hại y tế khoảng 6.300 tấn (trung bình 17 tấn/ngày).
Hiện nay Sở Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng nội dung đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bao gồm một số nội dung tổng quát sau:
- Hướng tới các giải pháp giảm thiểu chất thải rắn phát sinh tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế; Tổ chức phân loại tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn phải xử lý, tối ưu quy trình quản lý chất thải rắn từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý. Quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn đảm bảo phục vụ mang tính liên quận/huyện với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của từng quận huyện và toàn thành phố theo từng giai đoạn.
- Quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn đáp ứng nhu cầu của toàn Thành phố với công nghệ tiên tiến, hiện đại, hạn chế chôn lấp để tiết kiệm tài nguyên đất, thu hồi được năng lượng, sinh khối từ chất thải rắn, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xử lý.
- Khuyến khích công nghiệp tái chế và việc tái sử dụng chất thải rắn và sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn. Nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững đô thị. Thiết lập các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý chất thải rắn làm cơ sở pháp lý để triển khai công tác quy hoạch chi tiết, xây dựng dự án, chuẩn bị đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
>>> Trẻ uống nhầm thuốc khi ở trường, làm sao để phòng tránh?