Tạm dừng hoạt động rà phá bom mìn tại Quảng Bình do Mỹ dừng viện trợ

QUẢNG BÌNH - Do Chính phủ Mỹ dừng tài trợ nên hoạt động của các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã phải tạm dừng.

Theo lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình, việc dừng các chương trình, dự án do dừng nguồn tài trợ đã ảnh hưởng không nhỏ trên các lĩnh vực mà tỉnh Quảng Bình và các đối tác đang phối hợp triển khai. Đặc biệt là công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.

Điều này có nguy cơ ảnh hưởng an toàn đời sống do tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, đồng thời ảnh hưởng đến hàng trăm lao động đang làm việc cho các dự án.

bom-min-quang-binh-120225-1
Quảng Bình đang tạm dừng hoạt động rà phá bom mìn do Mỹ dừng viện trợ - Ảnh: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Văn phòng Tháo gỡ và Giải trừ Vũ khí thuộc Cục Chính trị - Quân sự (Bộ Ngoại giao Mỹ) là nhà tài trợ của Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam (PTVN), Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), Tổ chức cứu trợ nhân đạo (CRS), Nhóm tư vấn bom mìn (MAG) triển khai các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng đã có văn bản gửi đối tác triển khai dự án ở các quốc gia yêu cầu tạm dừng ngay lập tức tất cả hoạt động do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ.

 

Tại Quảng Bình, hiện có 4 dự án do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ đã tạm dừng (kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) đến khi có thông báo mới.

Các dự án gồm: Dự án dò tìm và xử lý bom mìn vật nổ tỉnh Quảng Bình (giai đoạn VII) do Nhóm tư vấn bom mìn thực hiện; Dự án khảo sát dấu vết bom chùm tại tỉnh Quảng Bình (CMRS) và dự án thiết lập và hỗ trợ đơn vị cơ sở dữ liệu và điều phối hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Bình do Tổ chức NPA thực hiện; Dự án dò tìm và xử lý bom mìn vật nổ tại tỉnh Quảng Bình do Tổ chức PTVN thực hiện; Dự án giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho cộng đồng tại tỉnh Quảng Bình do Tổ chức CRS triển khai.

Hiện, các nhóm, tổ chức MAG, NPA, PTVN, CRS có hơn 350 nhân viên làm việc cho các dự án tại Quảng Bình. Bên cạnh đó, còn có một số dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tài trợ đang được triển khai tại Quảng Bình cũng bị ảnh hưởng.

Hiện cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxine.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

Bình luận