Việc đảm bảo tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu mà còn đảm bảo cho việc tham gia quyết định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các vấn đề xã hội.
Theo đó, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, “tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%”. Vì vậy, lựa chọn những ứng cử viên nữ có đủ tiêu chuẩn theo quy định vào đại biểu Quốc hội khóa XV có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo thống kê, hiện nay có 132 nữ đại biểu Quốc hội trên tổng số 494 đại biểu Quốc hội, chiếm 26,72%; Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV vừa qua tăng hơn khóa trước 2,3% (tương đương với 10 đại biểu). Tính đến thời điểm này, trong danh sách gồm 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV, thì có 393 người ứng cử là phụ nữ, tỉ lệ hơn 45%.
Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, số lượng và chất lượng các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65/162 quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ số lượng nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ mới, bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội – Quốc hội đề xuất: “Để tỷ lệ nữ không những giữ được mà phải tăng được như mong muốn cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV thì việc lựa chọn, phân bổ cơ cấu để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ khi đưa ra bầu chúng ta lựa chọn đối tượng vừa trẻ tuổi và ngoài Đảng thì cũng rất khó để đạt được. Ngoài ra,việc tổ chức bồi dưỡng, chia sẽ để các ứng viên có thêm các kỹ năng trong quá trình chuẩn bị tâm thế để tự tin bước vào kỳ bầu cử. Từ khi tiếp xúc với các cử tri để vận động bầu cử một cách lành mạnh và hợp pháp cũng là một trong những biện pháp thúc đẩy đối với nữ ứng viên trong quá trình bước vào bầu cử”.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, trong rất nhiều nhiệm kỳ Quốc hội thì nữ đại biểu đã thể hiện được tinh thần, trách nhiệm tham gia đóng góp kể cả xây dựng hệ thống pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Rất nhiều nội dung liên quan tới vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là xã hội, y tế, văn hoá, giáo dục, các đại biểu nữ đã tham gia thảo luận, tranh luận với tỷ lệ cao. Điều đó khẳng định vai trò của nữ đại biểu hết sức quan trọng trong hoạt động nghị trường. Đặc biệt, năng lực của các nữ đại biểu được nâng lên một cách rõ nét. Cũng theo ông cần bồi dưỡng ngay từ khi lựa chọn và đánh giá cán bộ nữ, để khi tham gia ứng cử phải đủ năng lực vận động, ứng xử và năng lực thực tiễn để cử tri thấy được việc họ bầu cho ứng cử viên nữ thì hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, để đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia thì rất tốt nhưng phải đáp ứng được yêu cầu và đúng thực chất, khả năng của nữ ứng viên.
“Hiện nay có một thực trạng khi nữ đại biểu Quốc hội tham gia ứng cử, vận động ứng cử để bầu cử thì tỷ lệ giảm dần. Đặc biệt là tỷ lệ trúng cử không đạt được như mong muốn của chúng ta là 30% trở lên. Nó luôn luôn nằm ở dưới 30% so với yêu cầu của lực lượng nữ chiếm hơn 50% lực lượng lao động xã hội nhưng tỷ lệ tham gia ĐBQH chưa tương đồng. Điều đó chưa đáp ứng được yêu cầu của bình đẳng giới và chưa thể hiện được sự bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực chính trị” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Theo ông Trần Phong, chuyên gia nghiên cứu truyền thông về bình đẳng giới, cơ hội trúng cử của phụ nữ thấp hơn nam giới trong cùng một danh sách ở một đơn vị bầu cử, vì họ bị xếp vào danh sách cùng với những người ứng cử là nam giới giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn. Vì vậy, khi đọc lý lịch về ứng cử viên cũng cần phải quan tâm về sự cố gắng, những tâm huyết của họ trong cuộc sống hằng ngày chứ không chỉ riêng về chức vụ, để cử tri có thể hiểu hơn về người đại diện của mình.
Còn theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, hiện nay, một bộ phận nữ ứng cử viên chưa chủ động trong việc tiếp xúc với truyền thông để làm công cụ thúc đẩy quá trình trúng cử. Do đó, bên cạnh nỗ lực xây dựng hình ảnh cá nhân của mỗi nữ ứng viên, báo chí cũng cần tăng cường giới thiệu các gương là ứng viên nữ tiêu biểu đến rộng rãi công chúng, góp phần xây dựng về hình ảnh nữ đại biểu dân cử. "Trước hết cần đi vào năng lực và trách nhiệm của ứng viên nữ chứ đừng vội đi vào hình thức bên ngoài, vượt lên gia cảnh làm sao. Làm được nhưng với những điều kiện gia cảnh khó khăn thì nó càng làm tăng thêm giá trị của nữ ứng viên nữ đó."
Trao đổi với Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV về mục tiêu phải có trên 35% phụ nữ đại diện trong Quốc hội, bà cho rằng: “Tôi nghĩ năm nay có lẽ chúng ta sẽ đạt được tỉ lệ này. Bởi vì để thực hiện, chúng ta cũng đã có những bước chuẩn bị, từ tỷ lệ tới chất lượng của ứng viên cũng như sự lan tỏa các thông tin. Đặc biệt là khóa 14 vừa qua thì đại biểu nữ đã có những đóng góp rất nổi bật. Đấy chính là cơ sở để cho người dân có thể lựa chọn”.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến và lập pháp. Tỷ lệ nữ tham gia vào hoạt động của Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quan điểm tăng cường công tác cán bộ nữ không chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, để các nữ ứng viên đại biểu Quốc hội khoá XV có thể tự tin bước vào quá trình tranh cử và đạt được sự tín nhiệm cao của nhân dân nhằm thúc đẩy sự bình đẳng giới thì mỗi ứng viên nữ đều phải nỗ lực hết mình, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, sâu sát với đời sống, lắng nghe và sẵn sàng bảo vệ quyền lợi nhân dân trong quá trình quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới... Đây chính là yếu tố thuận lợi giúp các nữ ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV trong hoạt động tranh cử và giành được kết quả cao trong kỳ bầu cử sắp tới.