Chờ...

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách

VOH - Trong năm 2023, HĐND cấp tỉnh cả nước tổ chức hơn 350 kỳ họp, trong đó có 73 kỳ họp đột xuất, kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách,...

Sáng 25/3, báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cho biết mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Về kết quả hoạt động, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cả nước đã tổ chức tổng số 357 kỳ họp, trong đó có 73 kỳ họp đột xuất, kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, phát sinh đột xuất hoặc triển khai thực hiện các chủ trương mới của Trung ương.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách 1
Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu - Ảnh: TTXVN

Chất lượng nghị quyết ban hành ngày càng nâng lên với sự đồng thuận cao. Tổng số nghị quyết được Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ban hành năm 2023 là 6.377 nghị quyết, tăng 504 nghị quyết so với năm 2022.

Hoạt động giám sát tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân được thực hiện đúng quy định của luật và hướng dẫn tại Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoạt động tái giám sát được chú trọng để làm rõ các vấn đề, từ đó nhiều kiến nghị qua giám sát đã được phát hiện và xem xét, giải quyết. Nội dung giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân ngày càng sát với thực tiễn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Chất lượng tổ chức một số kỳ họp đột xuất còn hạn chế, việc bố trí thời gian thẩm tra và thảo luận còn ít, tài liệu gửi chậm, do vậy việc nghiên cứu tham gia vào nghị quyết kỳ họp gặp khó khăn trong công tác xây dựng pháp luật. Việc tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm...

Thời gian tới, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm túc, thể chế hóa đồng bộ, giám sát quyết liệt, thực hiện hiệu quả, thực chất Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; 

6 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội; nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố và các quy định của pháp luật đảm bảo đồng bộ và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò trung tâm của đại biểu Hội đồng Nhân dân trên tất cả các mặt công tác để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ban Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dâ.

Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy, phát huy tinh thần giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển, góp phần xứng đáng xây dựng và phát triển chung của đất nước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nhất là đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các nghị quyết của Quốc hội; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.