Thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

VOH - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng nay (18/2), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với 463/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Ngày 13 và 14/2, Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); có 121 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó có 104 ý kiến phát biểu tại Tổ và 15 ý kiến phát biểu tại Hội trường, 2 ý kiến bằng văn bản), không khí thảo luận sôi nổi, trách nhiệm; 1 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi văn bản góp ý.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) như nội dung về: bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ (Điều 5); nguyên tắc phân định thẩm quyền (Điều 6); phân quyền, phân cấp, ủy quyền (các điều 7, 8 và 9); nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; điều khoản chuyển tiếp (Điều 32)...

Quốc hội
Ảnh: VGP

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với quy định của Hiến pháp, các luật, dự thảo luật có liên quan để bảo đảm tính hợp hiến, tính đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa các luật và trong hệ thống pháp luật.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về vai trò của Chính phủ với tư cách cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chịu trách nhiệm trước Quốc hội; nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác; quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được thể hiện trong các quy định của dự thảo Luật.

Cụ thể là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ: Dự thảo Luật thiết kế nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ thực hiện theo quy định của Hiến pháp; đồng thời, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, làm rõ các nhiệm vụ theo thẩm quyền của Chính phủ, vừa bảo đảm tính khái quát, vừa kế thừa các nhiệm vụ quản lý thống nhất nền hành chính quốc gia với tư cách Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ,dự thảo Luật đã thiết kế rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện theo các quy định của Hiến pháp, pháp luật và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 18 về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc phân quyền phải quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, nên chủ thể đề xuất ban hành văn bản cũng như trách nhiệm giám sát đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, do đó, xin không bổ sung vào dự thảo Luật.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.

Bình luận