Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ tướng: Cái gì nhân dân, doanh nghiệp làm tốt hơn thì Nhà nước không làm

VOH - Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025 diễn ra ngày 7/1, Chính phủ xem xét, cho ý kiến với 7 nội dung quan trọng gồm 4 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thay đổi tư duy làm luật theo hướng pháp luật phải vừa quản lý được, vừa thông thoáng, khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước; xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản.

Đối với Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thảo luận sâu sắc về các nội dung liên quan nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm; việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu; đồng thời nghiên cứu, bám sát quy định tại Hiến pháp để hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là các nội dung liên quan nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan khác như Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao…

thu-tuong-xay-dung-phap-luat
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025 - Ảnh: TTXVN

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Thủ tướng định hướng không đưa nội dung nghị định, thông tư vào dự thảo luật. Quốc hội không quyết những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Chính phủ không quyết những việc thuộc thẩm quyền của bộ, địa phương. Mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, chính quyền hải đảo cần được làm rõ; chính quyền địa phương ban hành chính sách theo thẩm quyền.

Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng).

Kết luận chung, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 9 (tháng 2/2025). Trong đó ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, dự thảo nghị quyết theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Nhấn mạnh thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" cũng là "đột phá của đột phá," là "động lực, nguồn lực cho sự phát triển," Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; tích cực tham gia ý kiến với các luật do các cơ quan khác xây dựng; tiếp tục ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực con người, cơ sở vật chất trong công tác thể chế.

Thủ tướng yêu cầu thay đổi tư duy làm luật theo hướng: pháp luật phải vừa quản lý được, vừa thông thoáng, khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước; xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản; cái gì nhân dân, doanh nghiệp làm tốt thì Nhà nước không làm; một việc chỉ giao cho một người, ai làm tốt nhất thì giao.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Rà soát lại, kiên quyết bỏ các cơ chế xin-cho; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giảm tiếp xúc và giao dịch trực tiếp, giảm tiêu cực, tham nhũng vặt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao quyền cho các cấp nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi các cấp; khi phân công phải rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm; diễn đạt các nội dung của các dự án luật, nghị quyết phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, rõ ý, rõ nghĩa, rõ quyền hạn, rõ trách nhiệm, dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ giám sát.

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát các luật đã ban hành, nhất là những vấn đề vướng mắc, lạc hậu hoặc chưa theo kịp với thực tiễn để hoàn thiện hệ thống pháp luật, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết.

Trường hợp nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất có thẩm quyền; quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật.

Bình luận