Thủ tướng đánh giá còn có sai số như chưa dự báo được sớm việc bão giật cấp 17 khi vào bờ và kéo dài trong đất liền; hoàn lưu bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, có nơi tới 700mm; dự báo lượng nước về các hồ đập, sông lớn chưa sát thực tế.
Nguyên nhân là trang thiết bị có hạn, đầu tư cho công tác dự báo chưa tương xứng.
Theo Thủ tướng, công tác dự báo, thông tin tuyên truyền đến người dân nhìn chung làm tốt và sáng tạo. Hàng giờ có thông báo, hướng dẫn về kỹ năng phòng chống thiên tai. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất xuyên suốt, quyết liệt.
Cơn bão và hoàn lưu bão đi qua đã để lại hậu quả rất lớn, việc khắc phục tốn kém, kéo dài nhiều năm. Có những mất mát không bao giờ bù đắp được.
Song Thủ tướng cho rằng qua khó khăn, "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", tinh thần đại đoàn kết, "tương thân, tương ái" được thể hiện. Cùng đó là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Chỉ ra những bài học kinh nghiệm, người đứng đầu Chính phủ cho rằng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát thực tiễn, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm.
Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tất cả vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Cần đặt mục tiêu bảo vệ tài sản của Nhà nước, tài sản, sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, xã hội, thực hiện phương châm "4 tại chỗ". Bộ ngành địa phương chủ động, tích cực phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ; coi trọng công tác truyền thông, hướng dẫn kỹ năng.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh công tác lãnh đạo phải sát sao, quyết đoán. Có các phương án dự phòng cụ thể. Lựa chọn các phương án tốt nhất trong các phương án có thể, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Thủ tướng ví dụ để bảo đảm an toàn đập Thác Bà, các cơ quan đã đưa ra những quyết định quan trọng để vừa phải phân lũ ở thượng nguồn, vừa phải chuẩn bị phương án phá đập phụ tại trung nguồn, vừa phải sơ tán người dân ở hạ nguồn, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể để thiệt hại thấp nhất có thể.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu có giải pháp, không để nhân dân bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, các cháu học sinh phải được đến trường, bệnh nhân phải được khám chữa bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.
Trong đó cần thực hiện tốt nghị quyết 143, lưu ý các bộ liên quan đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương phù hợp, công bằng. Khắc phục các hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông; xử lý ngay các bất cập, lạc hậu của chính sách để việc khắc phục hậu quả bão lũ đạt hiệu quả...
Với những gia đình bị mất nhà, các địa phương phải rà soát chậm nhất ngày 31-12 phải hoàn thành hỗ trợ dựng lại nhà cửa cho người dân với "mái cứng, nền cứng, vách cứng". Khắc phục ngay các cơ sở trường học, trạm xá, bệnh viện chậm nhất trong tháng 10/2024.
Thủ tướng lưu ý nếu khó khăn địa phương phải đề xuất cơ chế, chính sách, rà soát các đối tượng bị tác động. Cùng đó cần sơ kết, đề xuất thi đua, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những người hy sinh, những cá nhân, tập thể; xử lý nghiêm trường hợp không làm tốt, hoặc vi phạm như găm hàng, đội giá, trục lợi...
Riêng đối với việc xây dựng lại cầu Phong Châu, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan cùng với tỉnh Phú Thọ phải bảo đảm xây dựng xong chậm nhất trong năm 2025; nếu vướng mắc gì báo cáo Thủ tướng Chính phủ…