Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục phục hồi và phát triển theo hướng “tháng sau khởi sắc hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước,” với nhiều điểm sáng.
Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp tích cực và quan trọng của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, bất cập mà ngành Ngân hàng cần khắc phục như: mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế và so với mong muốn được hỗ trợ, chia sẻ của doanh nghiệp, người dân.
Dư nợ tín dụng tăng thấp, 6 tháng chỉ đạt 3,58%; nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm…

Theo Thủ tướng, Ngân hàng được ví như là "mạch máu" của một quốc gia. Bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, đứng đầu ngân hàng là những doanh nhân, những người đứng “đầu sóng, đầu gió.”
Ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ “cộng sinh,” hai bên cùng có lợi nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.”
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu NNHH thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính; nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư đối với những vấn đề Thông tư 02 chưa quy định cho trái phiếu doanh nghiệp.
Về hoạt động tín dụng, Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng yêu cầu tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, điều chỉnh điều kiện, tiêu chí cho vay, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, giám sát; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh truyền thông; đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.