Chờ...

Thương mại là điểm sáng trong hợp tác Việt Nam - Lào

(VOH) - Sáng 11/01, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm chính thức nước CHDCND Lào trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam; và là khách mời đầu tiên của Thủ tướng Sonexay Siphandone.

Thủ tướng chúc mừng những kết quả tích cực của Lào trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; 

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Lào, đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban liên Chính phủ và bế mạc Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022;

Hai Thủ tướng tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của hai Đảng, hai nước luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào và bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực, bền vững của quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước thời gian qua.

Đặc biệt, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường thúc đẩy đúng hướng. Việt Nam có thêm 5 dự án mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng giá trị 70 triệu USD, tăng gần 50% so với năm 2021. Nhiều dự án hợp tác quan trọng khác cũng được triển khai tích cực, hiệu quả.

Thương mại là điểm sáng với tổng kim ngạch song phương cả năm 2022 đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2021, vượt mục tiêu đã đề ra (tăng trưởng 10-15%).

Thương mại là điểm sáng trong hợp tác Việt Nam - Lào năm 2022 1
Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký Hiệp định tương trợ tư pháp dân sự giữa Việt Nam và Lào - Ảnh: VGP

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên nhất trí nỗ lực triển khai Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt-Lào giai đoạn 2021-2030, Hiệp định Hợp tác song phương Việt-Lào 2021-2023 và các thỏa thuận, kế hoạch hợp tác đã ký trên các lĩnh vực; tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các kênh để không ngừng củng cố quan hệ chính trị tin cậy đặc biệt và bền chặt.

Đẩy mạnh trao đổi lý luận chính trị; phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục nâng tầm hợp tác kinh tế; hỗ trợ nhau phục hồi sau đại dịch, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Tiếp tục phối hợp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kết nối hiệu quả giữa hai nền kinh tế, kể cả kết nối cứng về hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng…, cũng như kết nối hạ tầng mềm về thể chế, chính sách, thương mại điện tử, kinh tế số, tài chính, ngân hàng…

Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì tăng trưởng thương mại ổn định từ 10-15% mỗi năm trở lên.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng.

Cùng các nước ASEAN khác phấn đấu giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, phối hợp duy trì lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược, trong đó có vấn đề Biển Đông. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN/AIPA vào năm 2024.