Chờ...

Tin nóng chiều 9/1: TPHCM phát hiện thêm 1 ca nhập cảnh nhiễm Omicron

(VOH) - Trong ngày 8/1, TPHCM phát hiện thêm 1 ca nhiễm Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này tại TP là 12. Hiện TP đang cách ly y tế 966 người nhập cảnh.

 

 

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM phát hiện thêm 1 ca nhập cảnh nhiễm Omicron, hơn 30.000 F0 cách ly tại nhà

Theo báo cáo Sở Y tế TPHCM, trong 451 ca mắc mới được xác định trong ngày 8/1 có 262 người sàng lọc tại bệnh viện, 59 người phát hiện tại cộng đồng, 130 ca F0 được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó, TP còn có 914 ca nghi ngờ.

Đặc biệt, cũng trong ngày này, TP phát hiện thêm 1 ca nhiễm Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này tại TP là 12. Hiện TP đang cách ly y tế 966 người nhập cảnh.

Tin nóng chiều 9/1: TPHCM phát hiện thêm 1 ca nhập cảnh nhiễm Omicron 1
Hiện TPHCM đang cách ly y tế 966 người nhập cảnh

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế - cho biết thêm ca nhiễm biến thể Omicron mới là ca nhập cảnh và được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Cũng theo báo cáo này, hiện có 4.948 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3, trong đó tầng 3 là 1.050 ca. Số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 1.560, ca đang thở máy xâm lấn là 323.

Tổng số ca cách ly tại nhà là 30.182 người. Bên cạnh đó có 829 người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và có 3 ca đang cách ly tại khu cách ly, điều trị của khu chế xuất, khu công nghiệp.

Xem thêm: Dịch Covid-19: TPHCM có khoảng 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ

TPHCM: Đang thuyết phục tiêm vắc xin Covid-19 hơn 18.000 người thuộc nhóm nguy cơ

Hôm nay 9.1, Sở Y tế TPHCM cho biết, sau 1 tháng triển khai Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ (đến hết ngày 31.12), các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã lập danh sách quản lý được 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó phát hiện 25.642 người chưa tiêm vắc xin Covid-19.

Các trung tâm y tế đã khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vắc xin Covid-19 ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm, đặc biệt là những trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại sẽ được tiêm vắc xin tại nhà. TP.HCM đã tiêm được 7.635 người.

Tính đến ngày 8.1, còn 18.007 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin, TPHCM đã và đang thuyết phục để tiêm vắc xin cho số người này. Mục tiêu đến ngày 20.1 sẽ vận động tiêm 100% cho những người thuộc nhóm nguy cơ.

Hà Nội: Hơn 400 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị trong tình trạng nặng, nguy kịch

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 7/1, tại Hà Nội (bao gồm cả các cơ sở điều trị của thành phố và Trung ương) đang có 408 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Con số 408 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch ở Hà Nội tăng gần 14% so với trung bình 7 ngày trước đó.

Cụ thể, có 336 bệnh nhân phải thở oxy qua mặt nạ/gọng kính, tăng 15%; 38 bệnh nhân phải thở máy xâm lấn, tăng hơn 27%. Tại hai cơ sở là Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và cơ sở 2 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hầu hết các bệnh nhân nặng, nguy kịch, tiên lượng tử vong đều là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi vắc xin, nhập viện khi đã suy hô hấp nặng.

Theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 1.767 bệnh nhân ở mức độ trung bình, 408 bệnh nhân ở mức độ nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch có 336 bệnh nhân phải thở oxy Mask, gọng kính; 26 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC; 6 bệnh nhân thở máy không xâm lấn; 38 bệnh nhân thở máy xâm lấn. Ngoài ra, 28.252 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.

Cầu vượt Dầu Giây chậm tiến độ: Truy cứu hình sự nếu để mất an toàn giao thông

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tại dự án cầu vượt Dầu Giây để xảy ra tai nạn giao thông, gây tổn hại đến tính mạng con người, mà nguyên nhân do chưa bảo đảm an toàn giao thông.

Đó là ý kiến chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại hội nghị tổng kết năm an toàn giao thông (ATGT) 2021, triển khai công tác 2022.

Theo đó, bà Hoàng yêu cầu Sở GTVT, Công an tỉnh khẩn trương kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại các công trình, dự án đang thi công trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là tại dự án cầu vượt Dầu Giây hiện đang rất chậm tiến độ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long và các đơn vị thi công cầu vượt Dầu Giây khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án và thực hiện nghiêm việc phân luồng, tổ chức giao thông, đảm bảo ATGT tại nút giao thông huyết mạch này trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

TP.Hải Phòng đổi màu sang 'vùng đỏ', thêm 2 bến xe phải dừng hoạt động

Sáng nay (9/1), UBND TP.Hải Phòng cho biết, đến hết ngày hôm qua 8/1, TP.Hải Phòng có 8.875 ca nhiễm Covid-19 đang điều trị, riêng trong ngày 8/1, TP.Hải Phòng phát hiện 751 ca nhiễm mới.

Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng kiêm Giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng, cho biết so với quy chuẩn, Hải Phòng chưa đến mức phải áp dụng vùng đỏ (cấp độ 4) cho toàn thành phố. Tuy nhiên, chính quyền đã quyết định nâng lên một cấp để phòng, chống dịch vì nguy cơ ở TP.Hải Phòng là rất lớn. Cũng theo ông Nam, khi ca nhiễm giảm đi, TP.Hải Phòng sẽ có những điều chỉnh về cấp độ dịch.

Ở quy mô cấp huyện, các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Dương Kinh, Hải An, Đồ Sơn và các huyện An Dương, Thủy Nguyên, Kiến Thụy đang là vùng đỏ. Các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải là vùng cam và chỉ có H.Bạch Long Vĩ là vùng xanh duy nhất. Tại cấp xã, TP.Hải Phòng đang có 132 phường xã là vùng đỏ, 67 phường xã là vùng cam, 7 xã là vùng xanh, còn lại là vùng vàng.

Ninh Thuận: Lên phương án di dời các nhà nuôi chim yến trong khu dân cư

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành quyết định quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn.

Theo đó, có 4 khu vực chính không được phép nuôi chim yến, gồm: Tất cả các phường và khu dân cư xã Thành Hải thuộc TP.Phan Rang - Tháp Chàm; thị trấn Khánh Hải thuộc H.Ninh Hải; thị trấn Phước Dân thuộc H.Ninh Phước và thị trấn Tân Sơn thuộc H.Ninh Sơn.

Vùng được phép nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi nêu trên. Đồng thời, khi nuôi chim yến tại khu vực được cho phép, nhà yến phải cách khu dân cư, công sở, trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 300m; đảm bảo không ảnh hưởng các khu chức năng khác đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Bắc Bộ, Trung Bộ sắp có mưa vừa, mưa to kèm theo thời tiết nguy hiểm

Hôm nay 9/1, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản gửi các tỉnh, TP Bắc Bộ và ven biển về việc chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, gió mạnh trên biển.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 9/1, không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Từ đêm 10/1, Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc cấp 6, giật cấp 7; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

TIN THẾ GIỚI

Mỹ điều vệ binh quốc gia hỗ trợ bệnh viện khi biến thể Omicron lây lan mạnh

Hôm nay 9/1, trong bối cảnh số ca nhập viện và nhu cầu xét nghiệm Covid-19 tăng lên khi biến thể Omicron lây lan khắp nước Mỹ, nhiều tiểu bang của Mỹ đang nỗ lực hỗ trợ nhân viên và vật tư cho các bệnh viện và mạng lưới chăm sóc sức khỏe.

Xem thêm: Biến thể Omicron khiến số ca mắc mới trên toàn cầu đã tăng tới 270%

Bang California và bang Oregon cho biết hơn 700 thành viên Vệ binh Quốc gia sẽ được triển khai đến hàng chục địa điểm xét nghiệm. Nhiều bang khác cũng đã huy động các thành viên Vệ binh Quốc gia cho những nhiệm vụ y tế và phi y tế để hỗ trợ các cơ sở y tế bị quá tải.

Hiện tại, tình trạng thiếu nhân viên đang tăng lên khi nhiều nhân viên y tế tuyến đầu - những người có nguy cơ phơi nhiễm cao - bị mắc Covid-19 và cần phải cách ly. Có các trường hợp nhân viên y tế còn nghỉ việc vì kiệt sức.

Anh khuyến cáo: Không nên tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ tư cho những người dễ bị tổn thương.

Cơ quan An ninh Y tế Anh nêu rõ, nhu cầu về việc tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường thứ hai sẽ tiếp tục được xem xét.

Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng và tiêm chủng Anh cho biết, trong khi liều vắc xin tăng cường bảo vệ chống lại bệnh nặng, khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm bệnh của nó tồn tại trong thời gian ngắn hơn, giảm xuống còn khoảng 30% sau ba tháng.

Khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng vẫn ở mức 90% đối với những người từ 65 tuổi trở lên trong ba tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại.

Mỹ: Tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em dưới 5 tuổi tăng đột biến

Số ca mắc Covid-19 ở trẻ em dưới 5 tuổi trong vài tuần qua tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra ở nước này.

Mỹ hiện đang ghi nhận trung bình 766 trẻ em nhập viện mỗi ngày do Covid-19, chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp nhiễm trên toàn quốc, tăng gấp đôi so với hai tuần trước đó. Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm tuổi duy nhất chưa đủ điều kiện được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở Mỹ.

CDC Mỹ nhấn mạnh, tình trạng này càng cho thấy sự cần thiết của việc người lớn và trẻ em ở các độ tuổi lớn hơn phải được tiêm phòng để bảo vệ trẻ dưới 5 tuổi.

Số trẻ em nhập viện mới hàng ngày này tăng vọt trong những tuần cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022, gần như tăng gấp 3 trong 2 tuần qua khi biến thể Omicron lan nhanh khắp cả nước. 

Mexico phê duyệt thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19

Chính phủ Mexico vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc uống Molnupiravir điều trị Covid-19 của hãng dược Merck trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao do biến thể Omicron.

Thuốc Molnupiravir sẽ được sử dụng để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc trung bình và có nguy cơ biến chứng cao. Giấy phép sử dụng khẩn cấp được cấp một cách có kiểm soát và cần phải có đơn thuốc, để tránh lạm dụng thuốc, tự ý điều trị hoặc mua bán trái phép.

Thông cáo của Ủy ban Liên bang về phòng chống nguy cơ y tế (Cofepris) cho biết loại thuốc này được phê duyệt trong thời gian nhanh "kỷ lục", do các cơ quan quản lý y tế trên thế giới đã có bằng chứng khoa học chứng minh tính an toàn và hiệu quả của Molnupiravir.