Chờ...

Tin nóng sáng 18/2: TPHCM đảm bảo nguồn cung xăng dầu

(VOH) - Theo Sở Công Thương TPHCM, tại thành phố không có tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên phạm vi toàn thành phố mà chỉ thiếu mang tính cục bộ ở một số đơn vị.

TPHCM đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Chiều 17/2, Sở Công Thương TPHCM cho biết, tại thành phố không có tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên phạm vi toàn thành phố mà chỉ thiếu mang tính cục bộ ở một số đơn vị.

Nguyên nhân khiến một số cửa hàng, đơn vị thiếu xăng cục bộ là các đơn vị này lấy hàng tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thời gian qua, nhà máy này có giảm sản lượng. Dự báo, từ nay đến cuối tháng, sản lượng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tăng, cùng với lượng hàng nhập khẩu liên tục thì tình hình thiếu xăng tại một số đơn vị sẽ được khắc phục sớm. Ngoài ra, với tình hình giá dầu thế giới từ ngày 12/2 đến nay đang có xu hướng giảm, do đó từ nay đến cuối tháng tình hình xăng dầu sẽ ổn định bình thường.

tin-nong-sang-18-2-voh.com.vn-anh1
TP.HCM đảm bảo nguồn cung xăng dầu. (Ảnh: VOH)

Theo Sở Công Thương TPHCM, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, vừa qua, đã có 71 cửa hàng và 43 đại lý của Petrolimex (chiếm hơn 1/5 số cửa hàng bán lẻ của TPHCM) đã tăng giờ bán so với trước. Trong đó, 27 cửa hàng phục vụ 24/24, còn lại hoạt động từ 6-24 giờ/ngày.

Người dân TP.HCM có thể cấp đổi thẻ BHYT trên toàn quốc

Ngày 17/2, thông tin từ Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết đơn vị đang in, cấp thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới theo Quyết định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với các trường hợp người mới tham gia bảo hiểm y tế lần đầu và cấp lại do mất, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.

Dự kiến trên địa bàn TPHCM có khoảng 600.000 thẻ bảo hiểm y tế được in, cấp mới trong thời gian tới.

tin-nong-sang-18-2-voh.com.vn-anh2
TPHCM có khoảng 600.000 thẻ bảo hiểm y tế được in, cấp mới trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, thẻ bảo hiểm y tế mới có một số điểm khác so với thẻ cũ như mã số trên thẻ gồm 10 ký tự để tra cứu thông tin về thẻ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, thẻ này không thể hiện địa chỉ người tham gia mà chỉ thể hiện nơi cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế. Điều này giúp người dân Thành phố có thể cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế ở bất cứ nơi đâu trên toàn quốc, không nhất thiết phải cấp đổi thẻ tại TPHCM.

TP.HCM: Một số cơ sở lưu trú sẽ thí điểm đón khách quốc tế

Chiều 17/2, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý lữ hành Sở Du lịch TPHCM cho biết, TPHCM là một trong 7 tỉnh, thành được Thủ tướng cho phép đón khách quốc tế đến Việt Nam.

tin-nong-sang-18-2-voh.com.vn-anh3
Nhân viên khách sạn hướng dẫn khách khai báo y tế khi lưu trú tại TPHCM. (Ảnh: baotintuc)

Vì vậy, để chuẩn bị đón khách quốc tế từ cuối tháng 3, Sở Du lịch TPHCM đã hoàn thiện cơ sở vật chất để đón khách quốc tế, ban hành tiêu chí để cơ sở lưu trú, công ty du lịch có thể tham gia thí điểm. Hiện TPHCM có 13 cơ sở lưu trú từ 3-5 sao được thẩm định và cho phép tham gia chương trình thí điểm này. Ngoài ra, có 56 khách sạn từ 3-5 sao đang chuẩn bị hồ sơ để đưa vào danh sách đón khách quốc tế; 10 doanh nghiệp kinh doanh quốc tế cũng đã đăng ký tham gia và 7/45 điểm tham quan đã nộp hồ sơ để Sở Du lịch thẩm định, cho phép đón khách quốc tế.

Sở cũng phối hợp với các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè đưa vào khai thác thêm nhiều sản phẩm mới nhằm khai thác tiềm năng du lịch của các địa phương, góp phần gia tăng thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế khi đến TPHCM.

Đề xuất dùng xe buýt giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất

Chiều 17/2, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã đề nghị Cảng vụ hàng không Miền Nam sắp xếp địa điểm cho xe buýt có công suất lớn đưa khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về các khu vực khác nhau trên địa bàn, nhằm giảm tải cho sân bay trong các thời gian cao điểm phục vụ.

tin-nong-sang-18-2-voh.com.vn-anh4
Tuyến xe buýt đi về trung tâm thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: sgtiepthi)

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, có 3 việc dẫn đến sự cố hành khách không đón được taxi về nhà và có nhiều hình ảnh không đẹp về TPHCM. Thứ nhất là các đơn vị vận tải không dự đoán được chính xác về lượng khách tăng đột biến lưu thông qua cảng hàng không nội địa. Thứ 2 là các hãng xe taxi, xe công nghệ chỉ hoạt động 50% công suất do đợt dịch vừa qua do tài xế về quê, chưa trở lại thành phố hoặc tìm công việc khác. Thứ 3 là mặt bằng sắp xếp xe trong sân bay không đáp ứng được yêu cầu khi lượng khách tăng cao.

“Sở đã tổ chức cuộc họp liên ngành để xử lý tình trạng quá tải trong sân bay nhằm đảm bảo nhu cầu người dân đi lại vào các đợt cao điểm. Trong đó, Sở đã đưa ra phương án hỗ trợ, đề nghị xây dựng thêm điểm đón xe buýt trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho các đơn vị này trong thời gian cao điểm phục vụ như lễ, Tết”, Phó Giám đốc Sở GTVT TPTPHCM cho biết.

Bộ Y tế cấp phép 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước

Ngày 17/2, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Theo đó, Cục Quản lý dược cấp phép cho 3 loại thuốc gồm: Molravir 400, hàm lượng Molnupiravir 400 mg; Movinavir, hàm lượng 200 mg Molnupiravir; Molnuporavir Stella 400, hàm lượng 400 mg Molnupiravir. Việc cấp phép cho các loại thuốc này có hiệu lực 3 năm.

Ngoài ra, Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho cơ sở khám chữa bệnh, các cán bộ y tế, cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thông báo cho bệnh nhân về các lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị, các thuốc khác có thể thay thế Molnupiravir trong điều trị COVID-19.

Cầu Rạch Miễu 2 sẽ khởi công vào cuối tháng 3

Chiều 17/2, tại tỉnh Bến Tre, Đoàn công tác của Bộ GTVT có buổi làm với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre về công tác giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2 nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Bộ GTVT yêu cầu hai tỉnh trong quý 1-2022 phải đẩy nhanh tiến độ, linh hoạt, rút ngắn thủ tục bàn giao mặt bằng cho các gói thầu. Đặc biệt lưu ý các gói thầu khởi công trước, vị trí nào cần xử lý thiết yếu thì tập trung giải quyết để ưu tiên bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trước. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào cuối tháng 3 năm nay.

Thu giữ lô hàng test nhanh COVID-19 nhập lậu từ Hàn Quốc

Đại diện Tổng cục Hải quan tối 17/2 cho biết: Hơn 85.000 test nhanh COVID-19 nhập lậu từ Hàn Quốc về sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội vừa được lực lượng Hải quan triệt phá, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng.

Theo quy định mặt hàng test COVID-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu. Vụ việc đang được cơ quan Hải quan tiếp tục điều tra xác minh, làm rõ theo quy định.  

Hà Nội lên lộ trình cho trẻ mầm non đến trường từ đầu tháng 3

Chiều 17/2, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng thông tin, TP.Hà Nội đã thống nhất lộ trình cho trẻ mầm non trở lại trường từ ngày 1/3; giao Sở GD-ĐT nghiên cứu, xây dựng phương án, đề xuất, tham mưu về nội dung này, trong đó lưu ý đến các giải pháp tổ chức bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả nhưng không cứng nhắc, cực đoan, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Về lộ trình cho học sinh đi học lại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Lưu Hoa cho biết, ngành giáo dục Hà Nội đã tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của 18 huyện, thị xã; Học sinh lớp 7 đến lớp 12 của 12 quận trở lại trường. Từ ngày 21/2, tiếp tục tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận đến trường.

TIN THẾ GIỚI

Thủ đô mới của Indonesia sẽ có quy chế vùng tự trị

Bộ trưởng Nội vụ Indonesia cho biết, Nusantara - thủ đô mới của nước này - sẽ được quản lý như một khu tự trị nhằm tạo thuận lợi cho quá trình phát triển tương lai. Ngoài ra, Nusantara cũng sẽ được trao các quyền hạn rộng rãi để thực thi các nhiệm vụ của chính phủ, hoặc các nhiệm vụ được ủy quyền, đồng thời linh hoạt trong việc quản lý địa phương mà không có sự can thiệp hoặc xung đột từ các bộ hoặc cơ quan chính phủ, cũng như các quy định khác.

tin-nong-sang-18-2-voh.com.vn-anh5
Thủ đô mới Nusantara của Indonesia sẽ được quản lý như một khu tự trị. (Ảnh: AFP)

Nam Phi không có kế hoạch mua thuốc điều trị COVID-19 của Merck do chi phí cao

Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế của nước này đã phê chuẩn sử dụng thuốc trên cho người từ 18 tuổi.

Molnupiravir và thuốc Paxlovid của hãng Pfizer đã chứng tỏ hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành, có nguy cơ cao bệnh trở nặng. Nhiều nước trên thế giới đang đàm phán giá mua thuốc với Merck và Pfizer. Chính phủ Mỹ đang trả 700 USD cho một liệu trình điều trị bằng Molnupiravir, nhưng các nhà sản xuất thuốc generic sẽ đưa ra phiên bản rẻ tiền hơn nhằm tạo điều kiện tiếp cận thuốc cho nước nghèo hơn.

EU xây dựng 'chòm sao vệ tinh' dành riêng cho truy cập Internet tốc độ cao

Các nước thuộc Liên minh châu Âu đã nhất trí cần xây dựng hạ tầng “chòm sao vệ tinh” độc lập dành cho việc truy cập Internet tốc độ cao. Các bên đã đưa ra sự đồng thuận trên tại cuộc họp cấp bộ trưởng về chính sách trong lĩnh vực không gian diễn ra ở Pháp ngày 16/2.

tin-nong-sang-18-2-voh.com.vn-anh6
(Ảnh minh họa: NASA)

Theo Tổng thống Pháp, trong tương lai, việc sử dụng Internet tốc độ cao trong các lĩnh vực như xe tự lái, dịch vụ khẩn cấp hay vận tải hàng hải sẽ do vệ tinh cung cấp. Nếu Liên minh châu Âu không có “chòm sao vệ tinh” độc lập thì sẽ phải chuyển giao dữ liệu thông qua các quốc gia khác, những nước không chịu sự chi phối của luật pháp châu Âu. Vì vậy, ông kêu gọi EU cần “hành động khẩn cấp” để bắt kịp với các cường quốc trong lĩnh vực này như Mỹ, Trung Quốc và Nga.  

Nguy cơ mực nước biển ở Mỹ dâng cao trong 30 năm tới

Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ dự báo mực nước biển ở Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 30 cm trong vòng 30 năm tới do biến đổi khí hậu, tương đương với mức tăng trong thế kỷ trước.

Mực nước biển sẽ có xu hướng dâng cao hơn dọc bờ biển phía Đại Tây Dương và vùng Vịnh Mexico do mức độ sụt lún đất ở khu vực này cao hơn so với dọc bờ biển bên phía Thái Bình Dương. Ngoài tình trạng ngập lụt ven biển xảy ra thường xuyên do tần suất các cơn bão xuất hiện tăng, mực nước biển dâng cao đang dẫn đến gia tăng các trận lũ lụt do triều cường.

Châu Âu hứng chịu một loạt cơn bão mạnh

Đã có ít nhất 3 người thiệt mạng khi một loạt cơn bão đổ bộ nhiều nước miền Trung châu Âu với sức gió mạnh nhất ghi nhận được lên tới 181 km/h, mọi hoạt động giao thông đình trệ trên diện rộng.

tin-nong-sang-18-2-voh.com.vn-anh7
Những người đi bộ đường dài trên Khu vỡ, trên đỉnh núi Harz (Đức), tự bảo vệ mình khỏi Bão Ylenia. (Ảnh: dw.com)

Tại Ba Lan, sức gió vùng gần tâm bão đã lên tới 125 km/h, gây hư hại nghiêm trọng hơn 500 nhà dân, làm bật gốc nhiều cây cối và khiến 340.000 hộ gia đình trên khắp nước này không có điện sinh hoạt. Cảnh sát nước này cho biết đã có 2 người thiệt mạng và 2 người bị thương.

CH Séc cũng chịu ảnh hưởng của bão, với hơn 300.000 hộ gia đình rơi vào cảnh mất điện. Tình trạng cây đổ chắn ngang các tuyến đường giao thông và đường sắt đã khiến giao thông bị đình trệ. Khu vực vùng núi cao nhất ở phía Bắc của CH séc ghi nhận sức gió vùng gần tâm bão mạnh nhất 181 km/h. 

Tại Hà Lan, sức gió vùng gần tâm bão lên tới 100 km/h. Một cảnh sát cũng đã bị thương khi mái lợp của một tòa nhà thương mại bị gió thổi bật tung. 

Tại Đức, nhiều trường học tại một số bang phải đóng cửa, trong khi cảnh sát khuyến cáo người dân nên ở yên trong nhà và tránh đi tới công viên và rừng núi.