Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng sáng 19/1/2022: TPHCM không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài sau Tết

(VOH) - UBND TPHCM chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch.

 

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài sau Tết

- Chiều 18/1, UBND TPHCM ban hành Chỉ thị về chăm lo Tết Nhâm Dần 2022. UBND TPHCM chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Tùy theo cấp độ dịch, tổ chức chu đáo, an toàn các lễ hội xuân; không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài nhiều ngày sau Tết.

- Sở Y tế TPHCM được yêu cầu phải chủ động giám sát, phát hiện các tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch bùng phát, lây lan; có kế hoạch dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị y tế chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Ngành y tế phải thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại sân bay, bến xe; tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, ứng trực 24/24 giờ.

- Sở LĐTB-XH TPHCM phải tổ chức tốt công tác chăm lo tết, nhất là chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.

- UBND TPHCM chỉ đạo tùy theo cấp độ dịch, tổ chức chu đáo, an toàn các lễ hội xuân, các hoạt động thể thao, các hoạt động vui chơi giải trí gắn với giáo dục truyền thống; không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài nhiều ngày sau Tết.

- Đồng thời, chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội; đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của nhân dân, không để tình trạng người dân không được về quê đón Tết do không có tàu xe. 

 

Tin nóng sáng 19/1/2022: TPHCM không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài sau Tết 1
Ảnh minh họa: PN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội từ 18h ngày 17/1 đến 18h ngày 18/1 ghi nhận 2.935 ca F0. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa có 136 ca; Hoàng Mai có 133 ca; Gia Lâm có 118 ca; Đông Anh có 109 ca. Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 97.260 ca.

- Từ sáng 17/1 đến sáng 18/1, Bắc Ninh ghi nhận 491 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 379 ca trong cộng đồng. Từ ngày 4/10/2021 đến ngày 18/1/2022, Bắc Ninh đã ghi nhận hơn 17.300 ca COVID-19, trong đó tổng số ca mắc ghi nhận tại các khu, cụm công nghiệp từ ngày 21/10/2021 đến nay là hơn 5.800 ca. Hiện có hơn 6.200 F0 đang được quản lý tại 26 cơ sở quản lý, thu dung, điều trị COVID-19 và tại nhà.

- Thanh Hóa ngày 18/1 ghi nhận 552 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, đây là số ca mắc cao kỷ lục từ trước tới nay ở tỉnh này; trong đó, có 158 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng và 394 bệnh nhân đang được cách ly theo quy định.

- Tính đến 18h ngày 18/1/2022, Hải Phòng có 2 ca tử vong do COVID-19, hơn 80 ca chuyển biến nặng. Có 512 ca COVID-19 mới, số ca nhiễm toàn thành phố Hải Phòng đến thời điểm này là 20.810 ca, đã công bố khỏi bệnh, xuất viện 12.491 ca, số đang điều trị là 16.554 ca, tử vong 35 ca.

- Quảng Ninh ngày 18/1 ghi nhận 366 ca COVID-19 mới (46 ca đã quản lý cách ly, 320 ca tại cộng đồng), trong đó TP Uông Bí có số ca mắc cao nhất với 87 ca, tất cả đều trong cộng đồng. Tiếp đến, Cẩm Phả 83 ca, Hạ Long 77 ca, Quảng Yên 46 ca, Đông Triều 40 ca, Móng Cái 21 ca, Vân Đồn 5, Ba Chẽ 4 ca, Tiên Yên 3 ca.

Tính từ thời điểm thực hiện Nghị quyết số 128 đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số ca mắc 8.656 ca (nhập cảnh: 110 ca, nội địa: 8.546 ca).

Công bố quyết định thanh tra mua kit xét nghiệm, thiết bị y tế Bộ Y tế và 2 TP

- Hôm nay 191, Thanh tra Chính phủ sẽ lần lượt công bố quyết định thanh tra việc mua sắm kit xét nghiệm, thiết bị y tế phục vụ chống dịch tại Hà Nội và Bộ Y tế, tương tự cũng sẽ được tiến hành tại TP.HCM. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2021.

- Theo báo cáo này, cơ quan thanh tra đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Chính phủ, tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022. Trong đó có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch vừa qua để chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

- Trong 2 năm chống dịch COVID-19, Việt Nam đã mua sắm kit xét nghiệm, thiết bị vật tư trị giá nhiều ngàn tỉ đồng.

- Gần đây lãnh đạo Công ty Việt Á, đơn vị cung cấp một tỉ lệ khá lớn test xét nghiệm trên thị trường bị khởi tố, bắt giam cùng nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh, quan chức Bộ Y tế để điều tra nghi vấn đẩy giá bộ xét nghiệm lên cao để hưởng lợi bất hợp pháp, khiến vấn đề này nóng lên và đang được dư luận rất quan tâm.

Thủ tướng yêu cầu lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về lộ trình mở cửa lại trường học

- Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 18 ngày 18/1 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại.

- Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương, thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.

- Thủ tướng cũng giao các bộ ngành truyền thông hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương tiêm đủ liều vắc xin cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi cao. 

Tin nóng sáng 19/1/2022: TPHCM không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài sau Tết 2
 

TP.HCM: Sau Tết, học sinh tiểu học có thể học trực tiếp hoặc trực tuyến

- Theo Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, tùy thuộc trường tiểu học nằm trong vùng thuộc mức độ dịch như thế nào sẽ tổ chức đi học lại 2 buổi/ngày, bán trú hoặc tiếp tục học trực tuyến.

- Khu vực cấp độ 1 (vùng xanh), tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc bán trú cho tất cả các khối theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh.

- Khu vực cấp độ 2 (vùng vàng), tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày hoặc bán trú theo nhu cầu phụ huynh học sinh khối lớp 1, 2. Tổ chức cho học sinh đi học một buổi/ngày với các khối lớp 3, 4, 5.

- Khu vực cấp độ 3 (vùng cam), tổ chức cho học sinh lớp 1, lớp 2 đi học một buổi/ngày. Học sinh lớp 3, 4, 5 tiếp tục học trực tuyến.

- Khu vực cấp độ 4 (vùng đỏ), các trường tiếp tục tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình.

Nhiều bệnh viện thành lập khoa, phòng điều trị hậu COVID-19

- Bệnh viện Chợ Rẫy vừa thành lập Phòng khám "Di chứng COVID-19". Trước đó, nhiếu bệnh viện ở TP.HCM đã thành lập các khoa điều trị hậu COVID-19 như Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược…

- Hiện nay, số bệnh nhân bị hậu COVID-19 đến khám và điều trị tại các bệnh viện trong TP.HCM có xu hướng gia tăng. Ngành Y tế TP.HCM cũng xác định một trong những nhiệm vụ của ngành y tế của TP trong năm 2022 là tập trung điều trị hậu COVID-19.

- Hiện toàn TP.HCM có trên 300.000 người từng mắc COVID-19, tuy  nhiên hiện chưa có con số thống kê chính thức số người bị hậu COVID-19.

Tin nóng sáng 19/1/2022: TPHCM không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài sau Tết 3
Ảnh minh họa :TTO

TIN THẾ GIỚI

Số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh ở Nhật Bản và CH Séc

Hôm qua, theo một thống kê của hãng tin Kyodo, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Nhật Bản lần đầu vượt 26.000 ca, cao hơn mốc kỷ lục trước đó là gần 26 ngàn ca ghi nhận hồi tháng 8/2021.

Tokyo và các tỉnh đang yêu cầu chính quyền trung ương đặt các khu vực vào tình trạng khẩn cấp quốc gia theo đó có thể yêu cầu các nhà hàng rút ngắn thời gian hoạt động và ngừng phục vụ rượu, cũng như yêu cầu người dân tránh di chuyển sang các khu vực khác.

Còn tại Cộng hòa Séc hôm qua ghi nhận hơn 20.000 ca mới, mức cao nhất kể từ ngày 1/12/2021. Nước này đang chống chọi với làn sóng dịch mới do biến thể Omicron bắt đầu khiến số ca mắc gia tăng. 

Chính phủ đã rút ngắn thời gian cách ly như một phần trong các biện pháp mới trong khi cũng bắt đầu xét nghiệm bắt buộc nhân viên các công ty trong tuần này

tin nóng,Tin tổng hợp, Ngày 19 tháng 1 năm 2022
Ảnh minh họa: Reuters

Indonesia kêu gọi người dân hạn chế hoạt động ngoài trời

Hôm qua, Tổng thống Indonesia đã kêu gọi người dân nước này hạn chế các hoạt động ngoài trời nếu không có vấn đề khẩn cấp, đồng thời ưu tiên làm việc tại nhà.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh các ca lây nhiễm biến thể Omicron đang lây lan nhanh tại Indonesia.

Tổng thống nước này cũng tiếp tục nhắc nhở người dân giữ gìn sức khỏe bằng cách đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách và rửa tay sát khuẩn thường xuyên. Song song đó ông còn kêu gọi người dân lập tức đi tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19,  trong khuôn khổ chương trình được phát động vào ngày 12/1 vừa qua và hiện được mở rộng trên toàn quốc.

Thụy Điển bãi bỏ yêu cầu du khách trình giấy xét nghiệm âm tính

Hôm qua, Chính phủ Thụy Điển cho biết du khách sẽ không còn phải trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh vào nước này.

Trước đó, Chính phủ Thụy Điển ngày 28/12/2021 đã ban hành quy định yêu cầu du khách tới nước này phải trình giấy xét nghiệm âm tính nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Kể từ đó, nước này liên tục ghi nhận số ca mắc cao nhất với biến thể Omicron là biến thể gây bệnh chủ đạo. Trong vài ngày qua, Thụy Điển ghi nhận trên 20.000 ca mắc mới/ngày, tăng gần gấp đôi so với kỷ lục trước đây trong những làn sóng dịch bệnh trước. 

Israel phát miễn phí hàng chục triệu kít xét nghiệm COVID-19 cho người dân

Dự kiến trong giai đoạn 1, mỗi học sinh dưới 18 tuổi sẽ được phát 6 kít xét nghiệm để sử dụng trong 2 tuần. Sau đó, chính quyền sẽ cân nhắc khả năng phân phát tiếp trong giai đoạn 2 nếu cần thiết. Các bệnh viện lão khoa và nhà dưỡng lão sẽ được phân phối tổng cộng 2,5 triệu kít xét nghiệm cho nhân viên và người cần điều dưỡng theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.

Trong khi đó, mỗi hộ gia đình theo diện hưởng chế độ an sinh xã hội (khoảng 450.000 hộ) sẽ được nhận 20 kít xét nghiệm. Khoảng 25.000 người cao tuổi đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ thuộc Bộ An sinh Xã hội, mỗi người sẽ được phát 3 kít xét nghiệm mỗi tuần trong vòng 3 tuần. Riêng đối tượng sinh viên, Chính phủ vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Tin nóng sáng 19/1/2022: Số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh ở Nhật Bản và CH Séc 2
Ảnh minh họa: Reuters

Tonga xác nhận thiệt hại lớn về người và tài sản do núi lửa phun trào gây sóng thần

Hôm qua, Chính phủ Tonga xác nhận 3 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị phá hủy sau vụ núi lửa phun trào gây ra sóng thần ở nước này ngày 15/1.

Trên đảo Mango, toàn bộ nhà cửa đã bị phá hủy hoàn toàn trong khi trên đảo Fonoifua chỉ còn lại 2 ngôi nhà còn đảo Namuka cũng chịu mức độ tàn phá trên quy mô lớn. Hoạt động sơ tán người dân trên các đảo Atata, Mango và Fonoifua đã được thực hiện sau khi núi lửa phun trào. Hải quân nước này đã vận chuyển nước uống, lương thực và lều cùng đội ngũ y tế tới đảo Ha'apai và vận chuyển thêm đồ cứu trợ tới các đảo do mức độ thiệt hại nghiêm trọng trên các đảo này. 

Bình luận