Thành Tựu Y Khoa Việt Nam 2021 - Thảm đỏ tôn vinh những thiên thần Blouse Trắng
Tháng 6/2021, TPHCM trở thành tâm dịch với hàng chục ngàn ca F0 mỗi ngày, những “Thiên thần Blouse trắng” đã đánh đổi mồ hôi, nước mắt và cả mạng sống của họ, quyết tâm giành giật sự sống cho từng ca bệnh, đưa bệnh nhân trở về từ lằn ranh sinh tử. Những nghiên cứu, sáng kiến, hành động quyết liệt đã mở ra những hướng đi đúng đắn giúp ngành y thành phố vượt qua đỉnh dịch.
Và hôm nay khi TPHCM đã khống chế được đại dịch, Lễ vinh danh 10 thành tựu y khoa Việt Nam 2021 chủ đề “Phòng chống COVID-19 - Sứ mệnh Blouse trắng” chính là thảm đỏ tôn vinh những “Thiên thần Blouse trắng” đầy ý nghĩa. Lễ trao giải năm nay nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam được Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) và Sở Y tế TP tổ chức, diễn ra lúc 19h ngày 26/02/2022 tại nhà hát Thành Phố. Được phát sóng trực tiếp trên kênh VOH FM 99.9Mhz, FM95.6, HTV1, Livestream trên nền tảng VOH đa phương tiện – website voh.com.vn, Fanpage Thành tựu Y khoa Việt Nam, fanpage VOH Radio và các trang fanpage liên kết.
TPHCM: Hơn một nửa F0 được phát hiện khi đi khám bệnh
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, trong ngày 23/2, TP.HCM có 1.456 ca mắc Covid-19 được xác định.
Trong đó, 848 ca sàng lọc tại bệnh viện, 524 ca phát hiện tại cộng đồng do các Trung tâm y tế lấy mẫu, 79 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.
Bên cạnh đó, còn có 1.627 ca nghi ngờ qua test nhanh dương tính. Số ca nhiễm biến thể Omicron tại TP.HCM hiện là 183 ca, trong đó có 172 ca nhập cảnh và 11 ca cộng đồng. Như vậy, tổng ca cộng dồn (Bộ Y tế công bố) tại TP.HCM là 523.110 ca.
TPHCM: Hơn 4,6 triệu người đã tiêm mũi 3
Trong ngày 23/2, TPHCM đã tiêm được 21.478 liều vắc xin Covid-19. Trong số đó có 838 liều mũi 1, 4.457 liều mũi 2, 1.558 liều mũi bổ sung và 14.628 liều mũi nhắc lại.
Đến nay TPHCM đã thực hiện 20,1 triệu liều tiêm vắc xin Covid-19. Trong đó, hơn 8,1 triệu liều mũi 1, hơn 7,3 triệu liều mũi 2, 669.315 liều mũi bổ sung và hơn 4 triệu liều mũi nhắc lại.
Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 tại TPHCM là tiếp tục tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm người từ các tỉnh về TPHCM sinh sống và làm việc), tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định.
Đắk Nông: Lừa chạy án chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng
Ngày 24/2, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Bửu Thọ (xã Kiến Thành, H.Đắk R'lấp) để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, năm 2020, Nguyễn Văn Giang bị TAND H.Đắk Song xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 3 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Đầu năm 2021, Giang gửi đơn kháng cáo đến TAND tỉnh Đắk Nông đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc giảm nhẹ hình phạt. Qua các mối quan hệ, Giang được người quen giới thiệu gặp Bửu Thọ "có thể lo được án treo cho Giang".
Ngày 30/3/2021, Giang đến gặp Bửu Thọ tại TT.Kiến Đức, H.Đắk R’Lấp. Tại đây, Thọ nói với Giang nếu muốn từ án phạt tù thành án treo thì phải đưa cho Thọ số tiền khoảng 700 - 800 triệu đồng. Ngay sau đó Giang đã đồng ý và chuyển khoản trước cho Thọ số tiền 300 triệu đồng.
Phú Quốc: Đột nhập miếu trộm bài vị vì tưởng làm bằng đồng thau nguyên chất
Ngày 24/2, tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP.Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thanh Duy (32 tuổi, ngụ P.Châu Phú A, TP.Châu Đốc, An Giang) và Nguyễn Thanh Sang (28 tuổi, ngụ xã Cửa Cạn, TP.Phú Quốc) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.
Theo điều tra ban đầu, do cần tiền tiêu xài, khoảng 13 giờ ngày 20.10.2021, Duy điều khiển xe máy 68P1-209.53 chở Sang đến Dinh Linh Sơn Thần Miếu (ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương, TP.Phú Quốc) để trộm cắp đồ thờ cúng bằng đồng.
Đến nơi, Duy và Sang đột nhập vào bên trong miếu lấy trộm một bài vị bằng bê tông sơn màu đồng (do nhầm tưởng bài vị làm bằng đồng thau nguyên chất). Sau đó, cả 2 bỏ bài vị vào bao khiêng ra xe chạy đi tiêu thụ. Tuy nhiên, khi ra tới bìa rừng thì bị người dân phát hiện truy đuổi và bắt giữ giao công an.
Lai Châu: Hơn 100 con gia súc bị chết do giá rét
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính đến chiều 23/2, đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã khiến gần 3.600 con gia súc bị chết. Trong đó, tại tỉnh Lai Châu, thống kê đến chiều 23/2, toàn tỉnh đã có hơn 100 con gia súc bị chết do giá rét.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh đã có trên 100 con gia súc bị chết, tập trung chủ yếu ở các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ và Tân Uyên…. Hiện nay, mưa đã giảm nhưng vẫn có nguy cơ gia súc bị chết rét, vì băng giá vẫn còn. Nhiệt độ ở các xã vùng cao vẫn dưới 3 độ C vào đêm và sáng sớm.
Ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đang tiếp tục phối hợp các địa phương đôn đốc, hướng dẫn bà con chống rét cho đàn đại gia súc. Đối với số gia súc bị chết rét, các địa phương cũng đã kiểm kê, xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp cho người dân.
Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia được WHO chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA
Công nghệ sản xuất vaccine mRNA là công nghệ tiên tiến, cho phép cập nhật các biến chủng và sản xuất với số lượng lớn do đó không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống đại dịch COVID-19 mà còn giúp chủ động ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.
Tối ngày 23/2, tại Geneva, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của WHO cho Việt Nam, Indonesia và Argentina.
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam dự theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Bộ Y tế và có bài phát biểu tại sự kiện này. Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc mừng sáng kiến của WHO về trung tâm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA với sự hình thành Trung tâm đầu tiên tại Cape Town, Nam Phi. Bộ trưởng Bộ Y bày tỏ niềm vui mừng và cảm ơn WHO về việc Việt Nam được lựa chọn để tiếp nhận công nghệ mRNA.
TIN THẾ GIỚI
WHO sẽ đào tạo những nước nghèo sản xuất vắc xin
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có kế hoạch lập một trung tâm thứ hai để đào tạo các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sản xuất vắc xin công nghệ mRNA.
Theo đó, trung tâm thứ hai được lập ở Hàn Quốc sẽ đào tạo lực lượng lao động cho tất cả các quốc gia có nhu cầu sản xuất các sản phẩm như vắc xin, insulin, kháng thể đơn dòng. Vào năm ngoái, WHO đã thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ ở Cape Town, Nam Phi, để đào tạo các nước có thu nhập thấp và trung bình phát triển vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA.
CDC Mỹ tăng thời gian giữa các mũi tiêm
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa thay đổi khuyến nghị về khoảng cách giữa các mũi tiêm. Người tiêm liều 2 vắc xin Pfizer hoặc Moderna nên cân nhắc đợi đến 8 tuần sau liều đầu tiên, thay vì 3 hoặc 4 tuần như được khuyến nghị trước đó.
CDC cho biết, khoảng thời gian chờ dài hơn có thể tăng khả năng bảo vệ trước COVID-19 ở người từ 12 đến 64 tuổi - đặc biệt là nam giới từ 12 đến 39 tuổi. Ngoài ra, khoảng cách giữa các mũi tiêm dài hơn có thể giúp giảm tác dụng phụ hiếm gặp ở vắc xin, như một số nam giới trẻ tuổi bị viêm cơ tim sau khi tiêm. Tuy nhiên, CDC vẫn khuyến nghị người suy yếu miễn dịch, người từ 65 tuổi trở lên và bất kỳ ai cần được nhanh chóng bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19 cần tiêm sớm.
NASA sẽ thử nghiệm máy bay siêu thanh cuối năm 2022
Mẫu máy bay siêu thanh cực êm do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thiết kế và chế tạo được chuyển tới Texas để tiến hành thử nghiệm kết cấu quan trọng trước chuyến bay đầu tiên vào cuối năm nay. Tiếng nổ siêu thanh sinh ra khi máy bay bay nhanh hơn vận tốc âm thanh, tạo ra độ ồn lớn, làm vỡ kính và gây ra nhiều thiệt hại khác cho những tòa nhà bên dưới.
Chương trình đã hoàn thành 80% thử nghiệm kết cấu vào tuần cuối cùng của tháng 1/2022 và mọi thứ tiến triển tốt. Theo dự kiến, chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra cuối năm 2022 trên sa mạc California.
Diện tích băng ở Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục
Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace) vừa cho biết diện tích băng biển ở Nam Cực sẽ giảm xuống mức thấp nhất lịch sử trong năm nay, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống hiện tại của nhân loại.
Dữ liệu của Tổ chức Hòa Bình Xanh chỉ ra rằng "các chỏm băng ở Nam Cực đang mất đi khối lượng nhanh gấp 3 lần so với những năm 1990 và đang góp phần khiến mực nước biển dâng cao trên toàn cầu.
Giám đốc Tổ chức Hòa Bình Xanh Laura Meller nhấn mạnh: "Mỗi con người trên hành tinh đều phụ thuộc vào các đại dương trong lành để tồn tại. Đây là lời cảnh báo rõ ràng rằng chúng ta phải bảo vệ chúng mãi mãi".