Chờ...

Tin nóng trưa 27/12: F0 thuộc nhóm nguy cơ được phát Molnupiravir ngay dù không triệu chứng

(VOH) – Tại TPHCM, F0 thuộc nhóm nguy cơ được phát Molnupiravir ngay dù không triệu chứng; Học sinh nhiều tỉnh thành đi học trở lại; Nhiều loại nông sản rớt giá mạnh là một số tin đáng chú ý trưa nay.

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM: F0 nhóm nguy cơ được phát Molnupiravir ngay dù không triệu chứng
TPHCM: F0 nhóm nguy cơ được phát Molnupiravir ngay dù không triệu chứng

Theo đó, Sở Y tế TP yêu cầu tất cả những trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ (F0 là người trên 65 tuổi, có bệnh nền) phải được uống gói thuốc C Molnupiravir ngay trước khi đi cách ly và không cần có triệu chứng. Đối với F0 không thuộc nhóm nguy cơ, tiến hành cấp thuốc khi có triệu chứng nhẹ.

Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu xác quận, huyện cần đẩy nhanh tiêm mũi 3 (gồm mũi bổ sung và mũi nhắc lại), hoàn tất tiêm trong tháng 1/2022, triển khai đồng thời với cả nhóm nguy cơ và không nguy cơ. Mũi 3 thực hiện cách thời gian tiêm mũi 2 khoảng thời gian 3 tháng.

Trong khi đó, tất cả F0 vừa hoàn thành đợt điều trị được tiêm ngay, không cần chờ đủ thời gian 6 tháng sau nhiễm Covid-19.

Học sinh nhiều tỉnh thành đi học trở lại
Học sinh nhiều tỉnh thành đi học trở lại

Học sinh nhiều tỉnh thành đi học trở lại

Hôm nay, một số địa phương cho học sinh đi học trở lại vào những ngày cuối của năm 2021. Trong khi đó, một số tỉnh, thành đang lên phương án cho học sinh đến trường vào đầu năm 2022.

Học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11 ở TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) trở lại trường học trực tiếp bắt đầu từ hôm nay. Trước đó, học sinh lớp 9 và lớp 12 đã đến trường từ ngày 20/12, trong khi học sinh toàn thành phố sẽ đến trường từ ngày 3/1/2022.

Ngày 27/2, học sinh cấp tiểu học và học sinh khối 6, 7, 8 cấp THCS của TP. Vinh (Nghệ An) được trở lại trường học trực tiếp sau 4 tháng học trực tuyến. TP. Vinh được phân loại cấp độ dịch được xác định ở cấp độ 2.

Trà Vinh quyết định đối với khối lớp 9 và khối lớp 12 sẽ thực hiện thí điểm việc tổ chức dạy học trực tiếp kể từ ngày 27/12 cho học sinh đang cư trú địa bàn được đánh giá cấp độ dịch 1,2 và học sinh không thuộc diện F0, F1. Đối với các Khối lớp 6,7,8 cấp THCS và khối lớp 10,11 cấp THPT, tất cả học sinh tiếp tục học trực tuyến.

Tại Lâm Đồng: Kể từ 27/12, các cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp và triển khai kế hoạch giáo dục đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Riêng đối với lớp 1 và lớp 2 cần tổ chức dạy, ôn tập các kiến thức cơ bản cho học sinh như các kĩ năng đọc, viết và tính toán trước khi dạy học tiếp theo.

Hôm nay, học sinh khối 9 và 12 tại TP.HCM vẫn học trực tiếp. Thành phố sẽ có phương án mở rộng dần dần đối tượng được đi học trở lại, đưa cuộc sống trở lại bình thường, đưa việc học tập của học sinh về bình thường nhất có thể.

Trong tuần này, Sở GD&ĐT TP. HCM và Sở Y tế TP.HCM sẽ có báo cáo, đề xuất lãnh đạo TP.HCM tổ chức cho học sinh các khối lớp khác đi học trở lại từ 3/1.

Long An: Từ 3/1/2022, học sinh tiểu học và mầm non đi học trở lại trong khi học sinh THPT đến trường từ ngày 6/12 và THCS từ ngày 20/12.

Dự kiến, học sinh tỉnh Sóc Trăng trở lại trường học trực tiếp từ ngày 4/1/2022 đối với cấp THPT, ngày 10/1 đối với cấp THCS, cấp tiểu học và mầm non từ 14/2.

Còn tại Hà Nội, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để bảo đảm an toàn, trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 27/12 cho đến khi có thông báo mới.

Bình Phước lên phương án điều trị trong tình huống bệnh nhân COVID-19 tăng cao

Bình Phước vừa có quyết định phê duyệt phương án đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi số ca bệnh COVID-19 đang điều trị trên địa bàn tỉnh từ 10.000 đến 20.000 ca bệnh.

Cụ thể, nâng cao năng lực thu dung, điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng" và nguyên tắc "4 tại chỗ", hướng đến điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nặng và nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Đẩy mạnh triển khai thực hiện quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ tại nhà, tại nơi lưu trú và tại doanh nghiệp.

Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại đảm bảo hiệu quả; tăng cường quản lý rủi ro tiêm chủng. Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Bình Phước về lực lượng, trang thiết bị y tế, hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19.

Hà Nội yêu cầu các bệnh viện không từ chối bệnh nhân COVID-19
Hà Nội yêu cầu các bệnh viện không từ chối bệnh nhân COVID-19

Hà Nội yêu cầu các bệnh viện không từ chối bệnh nhân COVID-19

Ngày 27/12, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm nguy cơ tử vong do COVID-19.

Theo văn bản do phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng ký, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm COVID-19, Sở Y tế TP yêu cầu cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.

Đặc biệt, tất cả các bệnh viện được yêu cầu không từ chối việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.

Nhiều loại nông sản rớt giá mạnh

Một số cửa khẩu tại Lạng Sơn đang ùn ứ xe container do các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt của phía Trung Quốc nhiều ngày qua khiến hàng loạt nông sản ở ĐBSCL giảm giá mạnh.

Hiện giá xoài Đài Loan chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cách đây 1 tuần. Mít Thái cũng rớt giá thê thảm khi chỉ còn 6.000 -7.000 đồng/kg mua tại vườn. Các loại trái cây khác như sầu riêng, xoài cát chu, thanh long, dưa hấu… cũng giảm 4.000-10.000 đồng/kg. Nhiều nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang lo lắng vì họ đã chuẩn bị hàng để bán trong dịp Tết cổ truyền ở Trung Quốc nhưng tình trạng thông quan "nhỏ giọt" khiến hàng hóa ùn ứ, rớt giá thê thảm.

Sở Công Thương TP Cần Thơ cho hay vẫn liên tục gửi khuyến cáo của Bộ Công Thương cho các doanh nghiệp, đồng thời nhắc nhở các doanh nghiệp có làm ăn với phía Trung Quốc thì chuyển hướng sang cửa khẩu khác để tránh thiệt hại.

TP Nha Trang và Nam Bộ có chỉ số tia cực tím gây hại cao đến rất cao
TP Nha Trang và Nam Bộ có chỉ số tia cực tím gây hại cao đến rất cao

TP Nha Trang và Nam Bộ có chỉ số tia cực tím gây hại cao đến rất cao

Trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ ngày 27/12, các thành phố có chỉ số tia cực tím đạt mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao gồm: Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) là 7.0; TP Hồ Chí Minh là 8.0; thành phố Cần Thơ là 8.2; thành phố Cà Mau (Cà Mau) là 8.3.

Dự báo trong ba ngày (từ ngày 28-30/12), chỉ số cực tím cực đại tiềm năng ở khu vực miền Bắc và miền Trung duy trì mức nguy cơ gây hại trung bình và dưới trung bình. Khu vực miền Nam được dự báo là có chỉ số tia cực tím tiếp tục đạt ngưỡng nguy cơ gây hại cao.

Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao. Ở mức rất cao, tia cực tím có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp liên tục trong 25 phút. Chỉ số từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, gây nguy cơ làm tổn thương da, bỏng mắt nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.

TIN THẾ GIỚI

Quân đội Myanmar bị tố bắn chết hơn 30 người
Quân đội Myanmar bị tố bắn chết hơn 30 người

Quân đội Myanmar bị tố bắn chết hơn 30 người

Quân đội Myanmar bị cáo buộc tấn công đoàn xe chở dân thường khiến hơn 30 người chết, nhưng lực lượng này tuyên bố đang "truy quét khủng bố". Nhóm Nhân quyền Karen, hoạt động ở bang Karen đông nam Myanmar, hôm 25/12 cho biết hơn 30 người thiệt mạng khi quân đội chính phủ nổ súng vào một đoàn xe tại bang Kayah, miền đông Myanmar, một ngày trước đó.

Trong khi đó, truyền thông Myanmar dẫn tuyên bố của quân chính phủ nước này cho biết họ nổ súng tiêu diệt "nhiều phần tử khủng bố mang vũ khí" của các lực lượng vũ trang đối lập trong ngôi làng. Những người này đi trên 7 chiếc xe và không dừng lại khi binh sĩ Myanmar ra hiệu lệnh. Quân đội Myanmar chưa bình luận thêm về thông tin.

EU đòi Nga bồi thường khoảng 290 tỷ EUR

Trong đơn kiện đăng trên trang web của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Nga bồi thường khoảng 290 tỷ EUR vì hành vi “phân biệt đối xử” đối với hàng hóa châu Âu thông qua chính sách thay thế hàng nhập khẩu.

Theo đơn kiện, Nga bị cáo buộc trong một thời gian dài đã đưa ra các biện pháp khiến các doanh nghiệp châu Âu gặp bất lợi khi buôn bán với các doanh nghiệp nhà nước của Nga và các tổ chức khác, cụ thể là hệ thống mua sắm thương mại của Nga.

Năm 2019, trị giá đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước Nga khoảng 23.500 tỷ rouble (khoảng 290 tỷ EUR), tương đương khoảng 20% GDP của Nga. EU kêu gọi Nga dỡ bỏ các hạn chế hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới nhưng Moscow cho rằng các biện pháp này phù hợp với các nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới.

Nga phạt Google gần 100 triệu USD
Nga phạt Google gần 100 triệu USD

Nga phạt Google gần 100 triệu USD

Một tòa án ở Moscow, Nga, đã tuyên phạt Công ty Công nghệ Google của Mỹ 7,2 tỷ rouble (98 triệu USD) vì tiếp tục không gỡ bỏ những nội dung không phù hợp với luật pháp Nga. Google cho biết, công ty này sẽ nghiên cứu án phạt trên trước khi quyết định những bước đi tiếp theo.

Trong năm 2021 Nga đã phạt nhiều công ty công nghệ nước ngoài, nhưng án phạt mới nhất nhằm vào Google nói trên là lần đầu tiên Moscow áp dụng dựa trên doanh thu hàng năm của doanh nghiệp tại Nga.

Nga không đưa ra con số cụ thể, nhưng theo hãng tin Reuters, số tiền phạt trên tương đương khoảng 8% doanh thu hàng năm của Google tại Nga. Nga đã yêu cầu các công ty công nghệ gỡ bỏ những bài viết đăng tải trên các nền tảng của họ có nội dung phổ biến lạm dụng ma túy và các trò giải trí nguy hiểm, thông tin về chất nổ và vũ khí tự chế, cũng như vũ khí của các nhóm mà giới chức Nga cho là có tư tưởng cực đoan và khủng bố.

Nắng nóng bất thường ở miền Trung nước Mỹ

Nhiều vùng ở miền Trung nước Mỹ đang nóng bất thường. Theo nhà khí tượng học Domenica Davis, mức nhiệt cao nhất vào ban ngày ở miền Trung nước Mỹ hiện đã cao hơn mức trung bình từ 25-300F, nên nhiều địa điểm có thể sẽ phải chứng kiến nền nhiệt lên tới trên 80 độ F, tức gần 27 độ C.

Trang AccuWeather cũng dự báo, nhiều thành phố có thể sẽ chứng kiến mức nhiệt cao, phá vỡ những kỷ lục đã được thiết lập trong vài năm qua. Cụ thể, nhiệt độ ở Houston có thể lên tới 84 độ F, ở Dallas là 81 độ F. Trong khi đó, bờ biển phía Tây nước Mỹ lại đang hứng chịu những cơn bão lớn. Cơ quan dịch vụ thời tiết của Mỹ dự báo dãy núi Sierra Nevada có thể sẽ có lớp tuyết phủ dày hơn 1,5m, trong khi khu vực Nam California có nguy cơ bị lũ quét.

Mỹ Latinh và Caribe: Mất an ninh lương thực nghiêm trọng
Mỹ Latinh và Caribe: Mất an ninh lương thực nghiêm trọng

Mỹ Latinh và Caribe: Mất an ninh lương thực nghiêm trọng

Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cảnh báo, Mỹ Latinh và Caribe đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong bối cảnh tỷ lệ đói nghèo ở khu vực này đang ở mức cao nhất trong 15 năm trở lại đây.

Theo đó, cứ 10 người ở Mỹ Latinh và Caribe thì có 1 người bị thiếu ăn. Con số này đã tăng lên cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Dữ liệu của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc còn cho thấy, số người thiếu ăn ở Mỹ Latinh và Caribe trong giai đoạn 2019-2020 đã tăng 13,8 triệu người, lên 59,7 triệu người, cao hơn 30% so với cùng kỳ trước đó. Vấn đề suy dinh dưỡng ở Mỹ Latinh cũng ở mức đáng báo động. Haiti có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất trong khu vực với 46%. Trong khi đó, Venezuela ghi nhận tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao nhất tại Nam Mỹ với 27,4%, tăng mạnh so với mức 22,2% ghi nhận trong giai đoạn 2016-2018.