Chờ...

Tin nóng trưa 7/12: TPHCM đề xuất hỗ trợ học phí học kỳ 2 cho học sinh hơn 530 tỉ đồng

(VOH) - TPHCM đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh công lập và ngoài công lập trên địa bàn trong học kỳ 2 năm học 2021 – 2022 với tổng kinh phí hơn 530 tỉ đồng.

 

 

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM: Thí điểm cho học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 đi học lại từ 13/12

Học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 vẫn đến trường học trực tiếp như kế hoạch. Việc đi học trực tiếp sẽ được thí điểm trong 2 tuần. Ngành giáo dục đã phối hợp với ngành y tế thực hiện nhiều bước để bồi dưỡng đội ngũ, thẩm định phương án về an toàn phòng chống dịch tại các đơn vị.

Trong thời gian thí điểm, song song với việc học trực tiếp kênh học trực tuyến qua Internet, truyền hình vẫn tiếp tục được duy trì nhằm hỗ trợ một bộ phận học sinh chưa tới trường, đảm bảo trẻ bắt nhịp với kế hoạch chung của TP.

học trực tuyến
Song song với việc học trực tiếp, TP vẫn duy trì hoạt động học trực tuyến qua Internet, truyền hình (Ảnh: TNO)

Hiện nay, TPHCM đang có gần 3.000 em học sinh lớp 1 nhiễm Covid-19, hàng ngàn em khác đang phải cách ly hoặc đang ở tỉnh khác chưa quay trở lại thành phố.

TPHCM đề xuất hỗ trợ học phí học kỳ 2 cho học sinh hơn 530 tỉ đồng

TPHCM đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh công lập và ngoài công lập trên địa bàn trong học kỳ 2 năm học 2021 – 2022 với tổng kinh phí hơn 530 tỉ đồng nhằm chia sẻ một phần khó khăn với phụ huynh.

Trong đó, học phí hỗ trợ trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, học viên giáo dục thường xuyên là 358 tỉ đồng; trẻ mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là 175 tỉ đồng. Chính sách hỗ trợ của TPHCM không áp dụng các học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Dự kiến, chính sách này sẽ được HĐND TPHCM xem xét, thảo luận và thông qua tại kỳ họp cuối năm diễn ra từ ngày 7 – 9/12. Trước đó, HĐND TPHCM cũng đã thông qua chính sách hỗ trợ học phí trong học kỳ 1 với tổng kinh phí 427 tỉ đồng.

Xem thêm: TPHCM: Dành riêng 1 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có biến thể Omicron

Tiền Giang: Tăng cường kiểm soát dịch ở vùng nguy cơ cao

Trước tình hình dịch phức tạp, Tiền Giang đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát dịch trong cộng đồng ở vùng nguy cơ cao. Căn cứ vào cấp độ dịch được công bố, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh áp dụng các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch.

Các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát dịch, nhất là tuyên truyền phòng, chống dịch trong cộng đồng; tăng cường hoạt động của trạm y tế lưu động; Lập kế hoạch quản lý, xét nghiệm tầm soát đối với địa bàn nguy cơ và đối tượng nguy cơ; quản lý chặt chẽ, xét nghiệm đúng quy định đối với F0, F1 được điều trị, cách ly tại nhà, người về từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe tại nhà; Tổ chức tốt việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân…

Bình Dương: Tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương họp trực tuyến với 9 huyện, thị thành phố về tình hình phòng chống dịch; đồng thời triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 12/2021.

Ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tức tiêm đủ 2 mũi) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... Do đó, tiêm mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Hà Nội: Hạn chế, dừng hoạt động các dịch vụ ăn uống ở vùng nguy cơ cao

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "4 tại chỗ".

TP Hà Nội  yêu cầu các địa phương căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ, bao gồm việc hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tùy theo cấp độ dịch (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...).

TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai trạm y tế lưu động để thu dung, cách ly, quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà và tại các cơ sở thu dung của quận, huyện, thị xã theo đúng quy định. Thành lập tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà để hỗ trợ cho các trạm y tế lưu động gồm các lực lượng tình nguyện của phụ nữ, Đoàn thanh niên, sinh viên, giáo viên... (với điều kiện tuổi dưới 50, đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19).

Cần Thơ: Cải tạo 5 nút giao thông kẹt xe với tổng vốn gần 1.200 tỉ

Gần 1.200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP sẽ được chi để cải tạo 5 nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc, kẹt xe ở TP Cần Thơ, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Đó là 5 nút giao thông "điểm nóng" ách tắc giao thông tại khu vực trung tâm TP (quận Ninh Kiều) gồm nút giao thông Mậu Thân - Ba Tháng Hai - Trần Hưng Đạo, nút giao thông Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt, nút Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ, nút Nguyễn Văn Linh - Ba Tháng Hai và nút Nguyễn Văn Linh - 30 Tháng 4.

Giai đoạn 1 sẽ mở rộng nút giao cùng mức, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập. Trong tương lai xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông. 

TIN THẾ GIỚI

Singapore tuyên bố xét nghiệm nhanh kháng nguyên phát hiện được Omicron

Singapore đã sử dụng ART nhằm khôi phục tổ chức các sự kiện quy mô lớn. Từ tuần này, Singapore cũng yêu cầu du khách đến quốc đảo này cần phải xét nghiệm ART hàng ngày.

Song song đó, Singapore sẽ sớm tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Hiện chính phủ nước này đang lên lên kế hoạch nới lỏng hạn chế đối với các hoạt động của trường học dự kiến khởi động từ đầu tháng 1/2022.

Xem thêm: Người phát minh ra vắc xin AstraZeneca cảnh báo trận dịch tiếp theo sẽ nguy hiểm hơn

 Omicron

Biến thể Omicron có thể chiếm hơn một nửa số ca Covid-19 tại châu Âu!

Indonesia cấm các địa điểm du lịch tổ chức hoạt động mừng năm mới

Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia cho biết, chính phủ nước này sẽ cấm các địa điểm du lịch tổ chức hoạt động mừng năm mới nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Ngoài ra, số lượng du khách của các địa điểm du lịch, công viên giải trí và điểm giải trí khác trong các khu vực cây xanh bị giới hạn ở mức 50% công suất tối đa.

Các điểm tham quan du lịch, công viên công cộng và các khu vực công cộng khác không có ban quản lý và có khả năng thu hút đông người được đề xuất đóng cửa hoặc giới hạn ở mức 25% công suất tối đa dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Rạp chiếu phim có thể hoạt động đến 9 giờ tối với 50% công suất.

Hà Lan điều binh sĩ giúp bệnh viện chống Covid-19

Với sự giúp đỡ của 50 binh sĩ có trình độ y tế, bệnh viện ở thành phố Utrecht, Hà Lan đã mở khu chăm sóc thứ hai để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 trong khu vực, khi mà số ca bệnh tại nước này tăng đột biến và giường bệnh chật kín. Đây là lần thứ hai quân đội Hà Lan điều lực lượng hỗ trợ bệnh viện ở thành phố miền trung, lần đầu diễn ra từ tháng 10/2020 đến tháng 6 năm nay.

Ngành hàng không Mỹ Latinh vận động việc thông qua Chứng nhận Covid-19 của EU

Nhiều hiệp hội vận tải hàng không cùng kiến nghị chính phủ các nước Mỹ Latinh và Caribe tham gia hệ thống Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 của Liên minh châu Âu.

Trong tuyên bố chung, các hiệp hội nói trên nhấn mạnh rằng mặc dù việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hiện chưa phải là bắt buộc, nhưng những hành khách đã tiêm chủng đầy đủ nên được ưu tiên miễn các hạn chế và kiểm dịch tại các đường bay quốc tế, đồng thời chỉ rõ sự cần thiết phải có một hệ thống xác nhận và chứng nhận tiêm chủng đơn giản, nhanh, hiệu quả và giá cả phải chăng để hiện thực hóa điều này.

Núi lửa Semeru ở Indonesia tiếp tục phun trào

Núi lửa Semeru ở Indonesia tiếp tục phun trào, gây khó khăn cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn khi số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này hiện đã lên tới 22 người và còn 27 người mất tích.

Do núi lửa vẫn hoạt động, nhiều đội cứu hộ buộc phải rút khỏi một số khu vực. Công tác cứu nạn ngày càng khó khăn hơn khi các lớp bùn bắt đầu nguội đi và khô cứng. Hiện giới chức Indonesia đã khuyến cáo người dân tránh xa khu vực miệng núi lửa phạm vi 5 km do không khí quanh khu vực này đang ô nhiễm nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương.