Chờ...

Tổng Bí thư: Giờ đây 'trên nóng' dưới cũng ngày càng nóng lên

VOH - Ngày 19/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Nhìn lại hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sau một năm thành lập, Tổng Bí thư nêu rõ, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao, nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ trong một năm, sau khi được thành lập, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý.

Nhiều địa phương đã phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Ủỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở, Bí thư và Chủ tịch UBND cấp huyện, như: Hà Nội, TPHCM, Phú Yên, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Lào Cai, Hoà Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh - Ảnh: VGP

Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao.

Tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021.

Theo Tổng Bí thư, số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên.

Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Từ khi thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh đến nay, các cơ quan chức năng qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện, chuyển cho cơ quan điều tra hơn 280 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tăng gần gấp 3 lần so với 1 năm trước khi thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh…

Tổng Bí thư cho rằng, những kết quả bước đầu đạt được sau một năm thành lập là cơ sở thực tiễn, khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đúng đắn, cần thiết, kịp thời, được dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tổng Bí thư cũng chỉ ra một số nguyên nhân và kinh nghiệm.

Trước hết là sự kế thừa, tiếp nối kinh nghiệm sau 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải có quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch sát hợp; lề lối, cách thức làm việc khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ "đúng vai, thuộc bài".

Tập thể Ban chỉ đạo phải là một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất cao; từng thành viên Ban chỉ đạo, nhất là đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo, phải thực sự gương mẫu, liêm chính, có bản lĩnh, quyết tâm cao, nói đi đôi với làm và đã làm là phải có hiệu quả.

Phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, quyết liệt của Ban chỉ đạo cấp tỉnh; phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc; chọn lĩnh vực trọng tâm, nhiệm vụ trọng yếu để tập trung chỉ đạo, tạo bước đột phá; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; kịp thời điều chuyển, thay thế cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ và bố trí cán bộ phù hợp.

Phải thực sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Ban chỉ đạo; kịp thời chấn chỉnh những khâu, mắt xích yếu; khi có quan điểm khác nhau thì phải cùng nhau trao đổi và khi đã thống nhất thì quyết tâm thực hiện; dù ý kiến cá nhân khác nhau, nhưng tập thể đã bàn, đã thống nhất, quyết định, là phải làm; đồng lòng làm, làm quyết liệt.

Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan truyền thông và báo chí; doanh nghiệp, doanh nhân; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải dựa vào dân, lắng nghe dân, phải tập trung giải quyết những phản ánh, kiến nghị, những khiếu nại, tố cáo, bức xúc của nhân dân về tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy vai trò và trách nhiệm Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo cấp tỉnh trong tham mưu triển khai, phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo. Thực tế cho thấy, Ban chỉ đạo cấp tỉnh có cơ cấu thành phần, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động như nhau, nhưng có địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa tốt, một trong những yếu tố quan trọng là hiệu quả hoạt động của Cơ quan Thường trực.

Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy phải chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết liệt, dám đương đầu, mạnh dạn tham mưu, đổi mới phương thức, cách làm, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng; vừa tham mưu thực hiện các công việc cụ thể, thường xuyên, hằng ngày của Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo, đồng thời vừa chú trọng nghiên cứu, tham mưu những vấn đề lớn, dài hạn để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.