Sáng 15/2, phát biểu tại tổ góp ý xây dựng dự thảo Nghị quyết một số chính sách đặc thù, gỡ vướng để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ đây là nghị quyết rất quan trọng, rất gấp, góp phần thể chế hóa Nghị quyết 57 của Trung ương.
Khi ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Trung ương nhận định rằng việc đưa các chính sách này vào thực tiễn sẽ gặp nhiều khó khăn chồng chất.
Nếu phải chờ sửa một số luật thì phải đến giữa năm hoặc cuối năm mới có thể thực hiện. Như vậy, cả năm không thể triển khai được Nghị quyết 57 hoặc triển khai không có ý nghĩa gì khi không thể chế được bằng hệ thống pháp luật.
Phạm vi của Nghị quyết bao gồm những vấn đề rất lớn, với mục tiêu quan trọng nhất là tháo gỡ hàng loạt khó khăn hiện hữu trong hoạt động khoa học và công nghệ. Các khó khăn là do các quy định đặt ra.

Theo Tổng Bí thư, đây là bài học để thấy thể chế là điểm nghẽn. Nếu không gỡ thể chế thì không đi được vào cuộc sống. Vì vậy, Quốc hội phải họp bất thường để giải quyết vấn đề này.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra vấn đề bất cập nhất nằm ở Luật Đấu thầu. Trong đó theo luật chỉ có mua đồ rẻ, không thích mua đồ đắt tiền, tìm thị trường mua đồ rẻ nhất. Như thế có thể chúng ta sẽ chỉ nhận được khoa học công nghệ lạc hậu, đất nước sẽ thành bãi rác của khoa học công nghệ.
Tổng Bí thư dẫn chứng việc phát triển công nghệ 5G tại Việt Nam, trong khi công nghệ này đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Nếu đấu thầu, các nước thậm chí sẽ tặng Việt Nam trang thiết bị 5G vì họ đang trên con đường hướng đến các công nghệ vượt trội hơn như phát triển vệ tinh tầm thấp. “Họ muốn đẩy thiết bị lạc hậu để có không gian phát triển công nghệ mới”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là bài học quan trọng đối với phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu Việt Nam hài lòng với 5G, tức là chấp nhận sự tụt hậu và đi sau sự phát triển của thế giới.
Tổng Bí thư đề nghị sửa đổi Luật Đấu thầu để tránh tư duy "chỉ quan tâm chuyện tiền nong và giá rẻ" dẫn đến việc rơi vào bẫy bãi rác công nghệ mà các nước khác sẵn sàng chuyển giao.
Về lựa chọn công nghệ, Tổng Bí thư cho hay Việt Nam đi sau phải đi tắt, đón đầu, tập trung ngay vào việc làm chủ công nghệ mới, tránh lãng phí nguồn lực cho những công nghệ lạc hậu. Ông cảnh báo Việt Nam không nên đi vào “vết xe đổ” của một số nền kinh tế gặp khó khăn vì đầu tư vào công nghệ cũ, đến nay lúng túng vì không thể thu hồi vốn để chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến.
Tổng Bí thư nhắc đến việc cần có các giải pháp quản lý vấn đề liên quan đầu tư công, đầu tư tư, hợp tác công tư... Những quy định hiện hành "đang tạo ra nhiều rào cản, gây khó khăn cho quá trình triển khai và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tiễn".
Về thuế, Tổng Bí thư đưa ra một ví dụ minh họa về tác động của việc miễn, giảm thuế. Theo đó, khi Chính phủ áp dụng chính sách miễn giảm thuế, thực tế có thể giúp tăng nguồn thu cho Nhà nước. Việc hạ lãi suất cho vay cũng giúp ngân hàng thu được nhiều hơn khi nhiều người dân có thể vay vốn, có cơ hội kinh doanh, tạo ra lợi nhuận.
Tổng Bí thư kết luận quy định đề ra thế nào để khuyến khích, chứ không chỉ lo thu nhiều, thu triệt để.
Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm mục tiêu khuyến khích, chứ không phải tháo gỡ và mong muốn phải có thời gian, đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ.
Người đứng đầu Đảng ví von "khoa học công nghệ là một miền đất hoang vu" và quốc gia nào khai phá được trước thì sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, việc đầu tư cho lĩnh vực này đòi hỏi thời gian và nguồn lực. Nếu đầu tư cho khoa học mà không chấp nhận rủi ro, cứ chờ đợi đầy đủ các điều kiện mới thực hiện thì sẽ "không bao giờ thành công".
Tổng Bí thư nói thêm cần nhanh chóng thể chế hóa các chính sách, chủ trương trong Nghị quyết 57 nhưng không nên “quá phức tạp, cụ thể, chi tiết vì không có nghị quyết này lại thất bại”. Ông cho rằng cần thời gian thí điểm ít nhất 5 năm. Sau đó tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện hệ thống pháp luật.