Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhìn chung thành tựu chung đạt được là rất lớn, chúng ta ngày càng có kinh nghiệm, hướng vào sản xuất, kinh doanh với những con số rất đáng mừng, “nhưng nhìn vào thực chất cũng rất lo”. Do đó, phải nhìn vào những mục tiêu, việc làm cụ thể để phấn đấu.
Tổng Bí thư khẳng định, phát triển kinh tế - xã hội phải bền vững, thành quả phải đến được tay người dân, nâng cao mức sống của họ, đó mới là mục tiêu cuối cùng.
Tổng Bí thư cũng chỉ ra, mặc dù kết quả tăng trưởng, dự trữ ngoại tệ và các chỉ số khác là tốt, nhưng nếu các nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn, kết quả sẽ còn tốt hơn nữa.
Bên cạnh đó, năng suất lao động vẫn là điều đáng lo ngại khi Việt Nam vẫn còn thua kém so với các nước trong khu vực.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, các ngành nghề cốt lõi của nền kinh tế phải được phát triển, không thể mãi dựa vào nguồn thu từ đất đai và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bởi đó chỉ là các giải pháp tạm thời.
Theo Tổng Bí thư, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nếu không sau này chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt mà chưa chắc khắc phục được hậu quả. Người dân phải được sống trong môi trường tốt, an toàn và hạnh phúc.
Tổng Bí thư lưu ý, mặc dù một số địa phương phát triển rất tốt, nhưng nếu các dự án lớn rút đi hoặc gặp sự cố, địa phương có thể gặp khó khăn vì thiếu sự bền vững trong phát triển. Cho nên, ngoài các chỉ tiêu kinh tế, cần phải chú trọng đến phát triển bền vững trong dài hạn.
Phải có người chịu trách nhiệm khi xảy ra lãng phí
Về vấn đề chống lãng phí, Tổng Bí thư chỉ rõ, vấn đề này người dân rất bức xúc. Tổng Bí thư chỉ ra cụ thể một số dự án vướng kéo dài nhiều năm, không triển khai, bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí mà không ai chịu trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp không sử dụng đất đúng mục đích, Nhà nước cần thu hồi và xử lý theo quy định. Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là tài sản của Nhà nước, tiền của của nhân dân.
Hàng loạt công trình, dự án lãng phí được Tổng Bí thư "điểm danh". Dự án chống ngập ở TPHCM qua 2 nhiệm kỳ mà dân vẫn chịu ngập lụt, trong khi tiền Nhà nước bỏ ra rồi. Nếu để thế thì vẫn vi phạm, không tham ô tham nhũng thì cũng lãng phí.
Hay trường hợp 2 bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam được Nhà nước đầu tư chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng, trong khi nếu của tư nhân thì họ thu hồi vốn xong rồi.
Đề cập đến đầu tư công, Tổng Bí thư nêu ra câu chuyện “có tiền mà không tiêu được”. Trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 50% là rất chậm. Câu hỏi từ nay đến cuối năm có “tiêu hết” được không cũng được Tổng Bí thư đặt ra và chỉ rõ khi hỏi tại sao chưa giải ngân được thì vướng quy định này, quy định kia…
Theo Tổng Bí thư, quy định thế nào mà đến Nhà nước còn không làm được, thì doanh nghiệp làm sao làm được. Hàng trăm, hàng ngàn dự án ở địa phương được cấp cho doanh nghiệp nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau.
Tổng Bí thư cho rằng vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó và phải có người chịu trách nhiệm. Chính phủ và Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tiềm năng của đất nước phải được đưa vào sử dụng để tạo ra của cải vật chất.
"Tôi rất sốt ruột, không thể chậm trễ hơn được nữa, chờ là lỡ mất cơ hội. Ai cũng nhìn thấy, mục tiêu đã rõ, chỉ tiêu thống thất, bàn nhau nhất trí, thông qua. Bây giờ làm cách gì để đạt được mục tiêu, trong đó phải cụ thể mỗi mốc đạt được, để tạo tiền đề, nền tảng phát triển tốt", Tổng Bí thư nói.
Ghi nhận chặng đường vừa qua đất nước đạt nhiều thành tựu lớn, song nhìn ra thế giới, Tổng Bí thư nói "thấy sốt ruột" vì họ phát triển rất nhanh. Vì thế, chúng ta cần nhìn vào những tấm gương đó để phấn đấu.