Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM chìm trong sương mù, không khí ô nhiễm ở mức nguy hiểm

VOH - Sáng 7/1, TPHCM xuất hiện lớp sương mù dày đặc, khiến nhiều tòa nhà cao tầng chìm trong màn trắng đục.

Chất lượng không khí tại Thành phố đạt mức rất xấu, với nồng độ bụi mịn vượt xa giới hạn an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, hiện tượng sương mù do đợt không khí lạnh từ phía Bắc kết hợp độ ẩm cao tạo thành. Lớp mù xuất hiện trên diện rộng, đặc biệt tại các tuyến đường trung tâm, khiến tầm nhìn bị hạn chế.

Hiện tượng này đã lặp lại nhiều lần trong những tháng cuối năm 2024 và dự kiến tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp cận Tết.

TPHCM NMP
Ảnh minh hoạ

Dữ liệu từ hệ thống giám sát chất lượng không khí IQAir cho thấy chỉ số AQI tại TPHCM sáng nay dao động từ 197-201, đứng thứ ba thế giới về mức độ ô nhiễm không khí, chỉ sau Hà Nội và Dhaka (Bangladesh).

Một số điểm đo ghi nhận mức độ ô nhiễm nghiêm trọng:

  • Trường Quốc tế Saigon Pearl (quận Bình Thạnh): AQI đạt 262.
  • Trường Quốc tế Đức (TP Thủ Đức): AQI 243, với nồng độ bụi mịn PM2.5 lên đến 168,2µg/m³, cao gấp 33 lần mức khuyến nghị của WHO (5µg/m³).
  • Phường Long Bình (TP Thủ Đức) và xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè): AQI lần lượt đạt 239 và 220.

Với chất lượng không khí ở mức "tím" (201-300 AQI), nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng là rất lớn, đặc biệt đối với trẻ em, người già và những người có bệnh lý nền.

Người dân được khuyến nghị:

  • Hạn chế ra ngoài, đặc biệt vào sáng sớm.
  • Sử dụng khẩu trang chuyên dụng và kính bảo hộ khi ra đường.
  • Tăng cường sử dụng máy lọc không khí trong nhà.
  • Tránh tập thể dục ngoài trời trong thời gian không khí ô nhiễm cao.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM không chỉ là vấn đề thời tiết mà còn liên quan đến giao thông, công nghiệp và hoạt động xây dựng. Các chuyên gia nhấn mạnh, việc kiểm soát nguồn thải và tăng cường mảng xanh đô thị là cần thiết để cải thiện chất lượng không khí.

 
Bình luận