Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị hướng dẫn xử lý các trường hợp đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê nhưng để trống, bỏ hoang, không khai thác đúng mục đích, nhằm tránh lãng phí tài nguyên đất đai.
Theo Luật Đất đai 2024, đất bị thu hồi trong các trường hợp người sử dụng không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không triển khai dự án sau 12 tháng kể từ khi được giao hoặc chậm tiến độ so với cam kết, sử dụng sai mục đích và đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp dù để đất trống hoặc sử dụng không đúng mục đích vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, khiến việc thu hồi gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị đăng ký sử dụng đất chỉ đề nghị công nhận quyền sử dụng hoặc gia hạn thời gian sử dụng, thay vì đăng ký triển khai dự án đầu tư. Điều này khiến cơ quan quản lý không có cơ sở để thu hồi đất theo quy định hiện hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng chỉ ra rằng, Nghị định 123 chỉ quy định xử phạt hành vi sử dụng sai mục đích hoặc bỏ trống đất nông nghiệp, nhưng chưa đề cập đến trường hợp đất công bị bỏ hoang trong thời gian dài. Do đó, sở đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ liệu hành vi để đất trống có bị xem là vi phạm và có thể bị thu hồi hay không.
Nếu chưa có quy định cụ thể, sở kiến nghị bổ sung vào nghị định xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lãng phí đất đai. Đồng thời, đề xuất bổ sung quy định thu hồi đất nếu bị bỏ trống liên tục trong 12 tháng và vẫn tái phạm dù đã bị xử phạt.
Năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã thành lập 6 đoàn thanh tra để kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, quy hoạch và chấp hành pháp luật đất đai. Kết quả, cơ quan này đã ban hành 248 quyết định xử phạt, thu về hơn 18,5 tỉ đồng tiền phạt vi phạm hành chính liên quan đến đất đai.
Hiện tại, TPHCM có khoảng 13.000 nhà đất công cần được rà soát, sắp xếp, trong đó 2.000 địa chỉ thuộc quản lý của Trung ương. Mặc dù một số tài sản được sử dụng hiệu quả, vẫn còn hơn 1.000 nhà đất hoạt động kém hiệu quả, bao gồm cả những cơ sở thuộc cơ quan Trung ương.