Đăng nhập

TPHCM quyết giữ mục tiêu tăng trưởng 8,5%

00:00
02:26
02:26
TPHCM vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm 2025 và sẵn sàng vươn tới ngưỡng 10% nếu điều kiện thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Văn Được – Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố đang là đầu tàu kinh tế cả nước, là trung tâm xuất khẩu khu vực phía Nam, nên việc duy trì tốc độ tăng trưởng không chỉ mang ý nghĩa địa phương mà còn có tác động lớn tới toàn nền kinh tế Việt Nam. Chỉ trong vòng một tuần kể từ khi Hoa Kỳ công bố thuế đối ứng, TPHCM đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, yêu cầu các sở ngành tập hợp ý kiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước.

Thống kê cho thấy, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ TPHCM sang Hoa Kỳ đạt 7,4 tỷ USD, tăng 24,27% so với năm trước. Tuy nhiên, các ngành chủ lực như dệt may, da giày, máy móc, điện tử đang đối diện nguy cơ chững lại do mức thuế đối ứng mà phía Hoa Kỳ dự kiến áp dụng.

TPHCM 222Xem toàn màn hình

Ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM cho biết, một số đơn hàng bị hoãn hoặc yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ 50% thuế. Trong khi đó, nguyên vật liệu đã nhập về, hàng đang trên dây chuyền sản xuất, dẫn đến nguy cơ tồn kho và đứt gãy dòng tiền. May mắn, phía Hoa Kỳ đã tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày để đàm phán, tạo cơ hội cho doanh nghiệp “giải phóng” đơn hàng và xây dựng lại kế hoạch sản xuất.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, ngành nông sản cũng đang tận dụng khoảng “thời gian vàng” này. Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group chia sẻ, ngay sau khi Mỹ tạm hoãn thuế, hàng loạt khách hàng quốc tế đã nối lại liên hệ và thúc đẩy giao hàng sớm, đặc biệt với các mặt hàng hồ tiêu – vốn không cạnh tranh trực tiếp với nông sản Mỹ.

TPHCM đang tập trung đẩy mạnh đầu tư công, xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi. Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm để thành phố phát huy vai trò dẫn dắt, mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa đầu ra, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chủ động nguồn nguyên liệu.

Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài (ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng: "Chiến lược 'Made by Việt Nam' thay vì chỉ 'Made in Việt Nam' sẽ giúp tăng giá trị thực cho hàng xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu."

TPHCM cũng đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng logistics, giao thông nhằm giảm chi phí lưu thông hàng hóa và kích thích tăng trưởng. Các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ vốn vay, tháo gỡ thủ tục hành chính cũng đang được triển khai đồng bộ.

Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng không chỉ giữ vững mục tiêu 8,5% mà còn tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Bình luận