Chủ trì và chỉ đạo từ điểm cầu Thành ủy có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi. Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TPHCM.
Cùng tham dự có Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu và đại diện 33 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trú đóng trên địa bàn TPHCM.
1. Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, trong 7 ngày qua (từ ngày 5/8 đến nay) bình quân có 3.687 ca nhiễm/ngày; trong đó có 78,6% trong khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% sàng lọc từ bệnh viện. Như vậy, số ca lây nhiễm chủ yếu vẫn ở khu phong tỏa.
Thành phố đã điều trị khỏi 62.986 trường hợp, hiện đang điều trị 32.629 trường hợp, trong đó có 1.558 bệnh nhân nặng, 16 bệnh nhân phải sử dụng ECMO
Có 10.421 F0 không triệu chứng đang được điều trị tại nhà, 12.290 F0 đã được điều trị trên 7 ngày và tải lượng virus trên 30 (CT>30), đủ điều kiện để thực hiện cách ly theo dõi tại nhà.
Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là những ngày gần đây tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao với trung bình 241 ca/ngày
Trước tình hình đó, TP tập trung nâng cao công tác điều trị, đặt mục tiêu giảm ca nặng và giảm tỷ lệ tử vong tại tất cả các quận - huyện, TP Thủ Đức.
Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các địa phương, các bệnh viện tuyến đầu của cả nước, TPHCM đã đưa vào hoạt động 4 Trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 1.750 giường. Đồng thời, nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu 115, thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh, kiện toàn các Tổ phản ứng nhanh để cấp cứu người từ phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, bố trí hệ thống taxi để phục vụ việc cấp cứu tại các địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, nhận định chung tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài. Số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, số ca tử vong vẫn ở mức cao. Dự kiến, sau ngày 15/8, các ca F0 vẫn ở mức trung bình khoảng 3.000 ca/ngày, là số lượng rất lớn. Nếu không quyết liệt, triệt để các biện pháp chống dịch thì sẽ khó giữ vững thành quả đang đạt được, thậm chí tình hình sẽ xấu đi nếu không đồng lòng, thực hiện nghiêm các biện pháp.
Thực hiện Nghị quyết 86 của Chính Phủ, TP sẽ xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15/8 đến 15/9, trong đó phân thành 2 giai đoạn: từ 15/8 đến 1/9 và từ 1/9 đến 15/9, mỗi giai đoạn sẽ có giải pháp cụ thể. Kế hoạch này sẽ được công bố trong thời gian tới.
Nói về giải pháp cho vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho rằng yếu tố tiên quyết lúc này là phải giảm các ca F0 chuyển nặng tại tầng 2, 3. TP đã mạnh mẽ nâng cấp các bệnh viện ở tầng 2, 3. Các bệnh viện dã chiến thu dung ở tầng 2 được nâng cấp lên tầng 3 để huy động nguồn lực và có thể điều trị bệnh nhân trở nặng, nhằm giảm áp lực cho tầng trên. Cùng với đó, củng cố khả năng cung cấp oxy cho các trường hợp nhiễm bệnh.
Về giải pháp nhằm giảm phát sinh F0 mới, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, mấu chốt vẫn là thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, “nhà cách ly nhà, người cách ly người”, đặc biệt trong khu phong tỏa. Kết hợp với việc bóc tách F0 nhanh, đẩy mạnh công tác xét nghiệm, thực hiện có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo khoa học, không lãng phí tài nguyên và nguồn lực. Nếu giảm 50% F0 tại khu phong tỏa thì sẽ giảm được cả ngàn ca mỗi ngày.
Đồng thời, triển khai tốt hơn nữa mô hình tự quản vùng xanh, nâng cao vai trò ý thức cá nhân để mở rộng vùng xanh, đưa vùng xanh trở về trạng thái “bình thường mới”.
Ngoài ra, tổ chức tốt tư vấn chăm sóc sức khỏe online, giám sát cách ly và điều trị F0, F1 tại nhà; chăm lo đời sống và tâm lý cho người đang được cách ly để chủ động tự bảo vệ sức khỏe, hạn chế tối đa trở nặng. Bộ Y tế cũng đang có kế hoạch hỗ trợ tích cực cho TPHCM trong các công tác này.
2. Vắc xin và công tác tiêm chủng
Về vắc xin phòng COVID-19, theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, TP đã đẩy nhanh tốc độ tiêm, ngày cao điểm đạt 318.000 liều. Đến nay, toàn bộ nguồn vắc xin được Bô Y tế cung cấp đã được tiêm hết. Toàn hệ thống tiêm chủng có sự tham gia của 87 bệnh viện và 1.200 đội tiêm tại các quận, huyện. Việc thực hiện tiêm chủng được triển khai rất linh động, bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn về di chuyển như người già, người khuyết tật…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong tổng số 650.000 người thuộc đối tượng được tiêm chủng chính trong đợt này gồm người già trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, TP đã tiêm cho 456.391, đạt hơn 70% yêu cầu đặt ra.
Riêng đợt 5 và 6, toàn TP đã tiêm được tổng số 3.291.872 liều, cộng với số đã tiêm đợt trước, toàn TP có tổng số hơn 4,3 triệu người được tiêm vắc xin, trong đó hơn 100.000 người tiêm đủ 2 mũi.
Với chủ trương tận dụng mọi nguồn lực, mọi cơ hội để mang vắc xin đảm bảo chất lượng về cho người dân, TP tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp cận nhiều nguồn vắc xin khác nhau.
“Bên cạnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ bổ sung thêm nguồn vắc xin và tiếp tục khai thác 1 triệu liều vắc xin Sinopharm đã được Bộ Y tế thẩm định, TP đang nỗ lực để đàm phám mua 5 triệu liều Mordena do Sapharco đứng ra nhập khẩu, VinaCapital tài trợ. TPHCM cũng tận dụng các cơ hội khác thông qua hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ tốt với Việt Nam và TPHCM. Hiện một số quốc gia đã cam kết tặng cho TPHCM những lượng vaccine. Nếu kịp, trong tháng 8 này chúng ta có thể đạt mục tiêu bao phủ vắc xin cho 70% dân số TP”, Phó chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ và khẳng định “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”.
Chia sẻ thêm về 5 triệu liều vắc xin Moderna, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đây là mô hình phi lợi nhuận, hợp tác công tư với sự đóng góp của doanh nghiệp, để đảm bảo đủ vắc xin cho nhân viên của mình trước, sau đó hỗ trợ TP để tiêm cho các đối tượng ưu tiên. Tất cả người tiêm vắc xin đều được hoàn toàn miễn phí. Nếu đóng góp của các doanh nghiệp vượt quá số kinh phí gồm giá mua, chi phí vận hành, tổ chức tiêm…, thì số dư ra sẽ được tích lũy vào quỹ vắc xin TP để tiếp tục mua vắc xin cho người dân.
Với cách làm này, các doanh nghiệp thay vì đơn giản là góp tiền cho quỹ vaccine thì chủ động tìm nguồn cung cấp vaccine – đây là việc khó.