Nhóm đối tượng này còn liên quan đến hành vi rửa tiền, mua bán tài khoản ngân hàng và sử dụng mạng máy tính để thực hiện các phi vụ lừa đảo.
Cuối năm 2024, Công an tỉnh Bình Dương phát hiện một nhóm đối tượng lợi dụng giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp để đăng ký mở hàng loạt tài khoản ngân hàng, thực hiện giao dịch đáng ngờ với số tiền lớn.
Nhận thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật, Công an tỉnh đã lập chuyên án điều tra trên nhiều tỉnh, thành phố.
Qua xác minh, nhóm tội phạm do Huỳnh Thị Kim Oanh (sinh năm 1985, trú tại thành phố Thuận An, Bình Dương) cầm đầu. Oanh từng có hai tiền án về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vào các năm 2010 và 2019.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, Oanh liên kết với Lê Lý Thành (sinh năm 1988, trú tại Đồng Tháp) và Lê Văn Mười (sinh năm 1983, trú tại Kiên Giang, từng có ba tiền án về trộm cắp và cướp giật tài sản). Nhóm này sử dụng giấy tờ giả, thuê người đứng tên lập "doanh nghiệp ma" và đăng ký mở tài khoản ngân hàng.
Oanh còn làm giả hồ sơ, giả danh nhân viên ngân hàng để dụ dỗ nạn nhân tham gia các gói vay vốn ảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân và tổ chức.

Nhóm này bán tài khoản ngân hàng cho các đối tượng tại Campuchia để phục vụ hoạt động lừa đảo xuyên biên giới. Một số phương thức lừa đảo bao gồm:
Giả danh nhân viên điện lực gửi tin nhắn yêu cầu nạn nhân truy cập đường link giả mạo ứng dụng EVN để đánh cắp thông tin tài khoản.
Giả danh công an yêu cầu cài đặt ứng dụng dịch vụ công giả mạo, từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại để rút tiền từ tài khoản ngân hàng.
Lừa đảo đầu tư tài chính bằng cách dụ dỗ tham gia mua bán hàng trên mạng xã hội, đầu tư chứng khoán, ngoại hối hoặc bất động sản với lợi nhuận cao.
Mạo danh nhân viên các tập đoàn đa quốc gia để kêu gọi đầu tư USD, bất động sản và các dự án không có thật.
Ngày 1/2/2025 (mùng 3 Tết Ất Tỵ), Ban chuyên án triển khai đồng loạt các mũi trinh sát, bắt giữ Huỳnh Thị Kim Oanh, Lê Lý Thành và Lê Văn Mười. Tang vật thu giữ gồm 25 con dấu doanh nghiệp, 2 con dấu tên, 1 con dấu ngày tháng, 10 giấy chứng nhận mẫu dấu, 15 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, 5 điện thoại, 3 laptop cùng nhiều tài liệu giả mạo khác
Tiếp tục mở rộng điều tra, Công an xác định Đào Trọng Quân (sinh năm 1992, trú tại huyện Vũ Thư, Thái Bình) là người môi giới, giúp Oanh mở tài khoản ngân hàng với giá từ 5-6 triệu đồng/tài khoản.
Nếu tài khoản bị khóa nhưng vẫn rút được tiền, Quân trả thêm hoa hồng 0,2% tổng số tiền rút được cho Oanh và 10% cho người đứng tên giám đốc công ty.
Ngày 2/2/2025, Công an Bình Dương phối hợp với Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ Quân tại quê nhà, di lý về Bình Dương để tiếp tục điều tra.
Ban chuyên án xác định nhóm của Oanh đã thành lập 25 doanh nghiệp ma, sử dụng hơn 100 tài khoản ngân hàng, lừa đảo hơn 200 nạn nhân với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng.
Hiện Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ hình sự các đối tượng Oanh, Thành và Quân về các hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Mua bán tài khoản ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản.
Công an đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý Lê Văn Mười theo quy định pháp luật.
Công an tỉnh Bình Dương đề nghị những ai là nạn nhân của đường dây lừa đảo này hoặc có thông tin liên quan, liên hệ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bình Dương để phối hợp điều tra.