Tại Hội thảo “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” diễn ra hôm nay 17/12, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội vẫn còn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà Phương chỉ ra một loạt những yếu tố tích cực có thể ảnh hưởng đến thị trường năm 2023 như tình hình lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, Fed được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất.
Áp lực tỷ giá trong nước sẽ giảm dần và đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023.
Chỉ số đánh giá mối quan hệ thị trường của cổ phiếu và lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu (chỉ số P/E) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 11,3 và được đánh giá là hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết thị trường khác trên thế giới.
Tuy nhiên, theo bà Phương, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất huy động tiếp tục gia tăng gây áp lực đến lãi suất cho vay;.
Tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn; Xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục kéo dài...
Xem thêm: Chính sách ôm quá nhiều, không tháo gỡ, đầu tư công sao “thông”
Bà Phương cho biết, sắp tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, khôi phục niềm tin của thị trường.
Ủy ban sẽ có những cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.