Xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm nay ghi nhận trên các cửa sông chính Cửu Long trong tháng 3/2023 với ranh giới mặn 1‰ vào sâu nhất là 60-65km từ biển.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo xâm nhập mặn trên các cửa sông chính có xu thế giảm trong 2 tháng tới.
Tháng 4, mặn 1‰ vào sâu giảm 3-10km trên các cửa sông chính, nửa cuối tháng 5 ranh mặn cao nhất còn ở khoảng cách 35-40km. Để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần chủ động các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh rạch trước các kỳ mặn lên cao.
Trong tuần qua, mưa xuất hiện nhiều nơi ở ĐBSCL với lượng mưa trung bình 10-20mm; cá biệt có nơi lên đến hơn 90mm. Dự báo, tuần tới vùng ĐBSCL có khả năng tiếp tục có mưa xuất hiện trên diện rộng với lượng mưa từ 5-25mm.
Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.