Xâm nhập mặn tại ĐBSCL tăng cao vào đầu tháng 2

VOH - Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở mức cao từ 1-10/2/2025, với độ mặn gia tăng trong những ngày đầu tuần và giảm dần vào cuối tuần.

Mặc dù không gay gắt như các mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, mức độ xâm nhập mặn vẫn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân khu vực này.

Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Phùng Tiến Dũng cho biết, độ mặn cao nhất trong các trạm đo phổ biến ở mức thấp hơn tháng 2/2024, tuy nhiên, một số trạm tại Trà Vinh có mức độ mặn cao hơn.

Tình hình xâm nhập mặn tại các sông lớn như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cửa Tiểu, và Hậu sẽ có độ sâu lên tới 40-55km. Xâm nhập mặn cao nhất sẽ tập trung vào tháng 2-3/2025 và có thể kéo dài cho đến tháng 5/2025.

Tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong và triều cường. Dự báo khả năng thay đổi trong suốt mùa khô năm nay, vì vậy các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các thông tin Dự báo Khí tượng Thủy văn để có những biện pháp phòng tránh kịp thời. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn tại khu vực này hiện đang ở cấp độ 2.

dbscl-xam-nhap-man
Cống sông Kiên trên địa bàn thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, kiểm soát mặn phục vụ sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên - Ảnh: TTXVN

Để giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn, các địa phương cần tận dụng triều thấp để tích trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt. Đồng thời, hạn chế tưới tiêu trong mùa khô là một biện pháp cần thiết để giảm thiểu áp lực nước mặn.

Các hộ dân nên trồng những loại cây chịu mặn tốt và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con nuôi cho phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn. Đặc biệt đối với các diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, việc kiểm tra độ mặn trước khi tưới nước là vô cùng quan trọng để hạn chế thiệt hại.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt các hệ thống lọc nước mặn sẽ là giải pháp hiệu quả để cải thiện chất lượng nước sinh hoạt và tưới tiêu. Các hệ thống này giúp loại bỏ các thành phần muối hòa tan, mang lại nguồn nước ngọt phục vụ cho cây trồng và sinh hoạt. Đặc biệt, nước sau lọc có thể dùng để tưới các loại cây chịu mặn thấp hoặc cho người dân sử dụng trực tiếp.

Đối với các hộ nuôi thủy sản, việc quan trắc và theo dõi độ mặn trong môi trường nuôi là rất quan trọng. Điều này giúp xác định chính xác thời điểm thích hợp để bắt đầu nuôi và kết thúc chu kỳ nuôi, từ đó giảm thiểu thiệt hại khi xâm nhập mặn xảy ra.

Bình luận