Chờ...

Xảy ra động đất mạnh 3.4 độ richter tại Ninh Bình

VOH - Một trận động đất vừa xảy ra ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình gây rung lắc.

Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, vào khoảng 9 giờ hôm nay 27/5 xảy ra một trận động đất có độ lớn 3.4, độ sâu chấn tiêu khoảng 17km tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. 

Trận động đất Ninh Bình gây rung lắc nhẹ, người dân ở khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ rung lắc, song không ghi nhận thiệt hại về người và tài sản.

Trận động đất không kèm theo tiếng nổ giống như trận động đất xảy ra năm 2005.

Dong dat Ninh Binh 2024
Ảnh minh họa: iStock

Dự báo động đất ở Ninh Bình có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. 

Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.

Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. 

Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Trận động đất gần đây nhất ở Ninh Bình xảy ra cách đây gần 20 năm. Vào chiều 2/8/2005 trên địa bàn thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình) xảy ra động đất mạnh kèm theo rung và tiếng nổ dưới lòng đất khoảng vài giây đã gây lo sợ cho nhiều người. 

Sáng ngày 26/5, một trận động đất lớn 3,3 độ richter đã xảy ra trên địa bàn biên giới Việt Nam-Lào, cách trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khoảng 50km.

Tại khu vực trung tâm Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, do tâm chấn trận động đất nằm ở khu vực biên giới, xa khu dân cư, người dân chỉ cảm nhận sự rung lắc rõ hơn khi ở trong những ngôi nhà xây, cao tầng, tuy nhiên dư chấn chỉ kéo dài từ 2 đến 3 giây.

 Không lâu sau khi dư chấn kết thúc, hoạt động, nhịp sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn trở lại bình thường.