Đăng nhập

Hàn Quốc: Hẹn hò bằng ngân sách nhà nước

VOH - Trong nỗ lực đối phó với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chính quyền Hàn Quốc đang chi tiền để người trẻ hẹn hò và kết hôn. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng nhận sự “mai mối” từ nhà nước.

Lee Eun-jin, một thợ pha chế sống tại Seoul, thường xuyên lẩn tránh các sự kiện hẹn hò do chính quyền tài trợ. “Tôi mà nói với bố mẹ là có những chương trình đó, chắc chắn họ sẽ bắt tôi đăng ký ngay,” cô nói.

Tại Hàn Quốc, chưa đến 5% số trẻ em được sinh ra ngoài hôn nhân. Trong bối cảnh tỷ lệ sinh trung bình chỉ còn 0,75 con/phụ nữ, chính quyền từ trung ương đến địa phương đều nỗ lực kéo người trẻ lại gần nhau. Quận Saha-gu (Busan) tặng khoảng 340 USD cho các cặp tham gia sự kiện hẹn hò. Nếu kết hôn, họ có thể nhận thêm 14.000 USD, trợ cấp nhà ở, chi phí y tế và cả du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, chưa có ai đi đến hôn nhân để nhận trọn gói phần thưởng này.

han quoc_vohXem toàn màn hình
Công ty xây dựng Booyoung Group trả cho nhân viên khoảng 75.000 USD mỗi lần sinh con. - Ảnh: Yonhap News/Zuma Press

Một số doanh nghiệp cũng vào cuộc. Công ty xây dựng Booyoung Group chi 75.000 USD cho mỗi lần nhân viên sinh con. Nhà thờ Yoido Full Gospel tại Seoul tặng 1.380 USD cho mỗi ca sinh của giáo dân.

Tuy vậy, số người hưởng ứng vẫn rất ít. Khảo sát gần đây cho thấy khoảng 60% người đi làm ở Hàn Quốc cho rằng không kết hôn cũng không ảnh hưởng gì. Chi phí sinh hoạt cao, giờ làm dài và áp lực xã hội khiến nhiều người không mặn mà với việc lập gia đình. Phụ nữ gặp thêm trở ngại khi quay lại công việc sau sinh con, nên ít người tham gia các chương trình do chính quyền tổ chức. Nhiều sự kiện phải hủy vì thiếu nữ giới đăng ký.

Từ năm 2022 đến tháng 8/2024, có khoảng 42 địa phương tổ chức sự kiện hẹn hò có thưởng. Trong gần 4.000 người tham gia, chỉ 24 cặp đi đến hôn nhân, theo báo cáo của nghị sĩ Lee Yeon-hee. Bà gọi đây là “chiêu trò đánh bóng tên tuổi” và cho rằng kết quả là “đáng xấu hổ”.

Luật sư Shin Dong-woo, 37 tuổi, từng trì hoãn chuyện kết hôn để tập trung cho sự nghiệp. Khi bạn rủ đăng ký sự kiện hẹn hò vào dịp Valentine do chính phủ tổ chức, anh phân vân vì quy trình yêu cầu khai báo danh tính, nơi ở, nghề nghiệp khá rườm rà. Dù vậy, anh vẫn quyết định tham gia.

Sự kiện diễn ra trong một hội trường được trang trí bằng hoa và tranh nghệ thuật. Người tham gia phải nhìn vào mắt nhau 10 giây để tạo kết nối, trò chuyện với 15 người khác giới, ăn tối và chơi bingo, sau đó chọn ra ba người phù hợp nhất. Chính quyền Seoul còn tặng vé xem triển lãm và phiếu ăn để giúp các cặp gắn bó sau sự kiện. Shin có tìm được người đồng điệu, nhưng chỉ sau hai tuần cả hai không còn giữ liên lạc.

Tại thành phố Daegu, nhân viên chính quyền Kim Seon-mi vẫn kiên trì tổ chức các buổi hẹn hò mỗi hai tháng. Cô khảo sát các địa điểm đẹp, thuê huấn luyện viên tình cảm và mời 20 người tham gia. Trong 9 năm, nhóm của cô đã giúp 179 cặp kết hôn. Các ngân hàng, công ty tổ chức sự kiện và bệnh viện còn hỗ trợ thêm quà cưới và giảm giá dịch vụ để khuyến khích sinh con.

Với một số người, nỗ lực này đem lại kết quả thực sự. Lee Seyun, 30 tuổi, làm trong ngành marketing, từng tham gia một sự kiện mai mối ở Seoul vào tháng 11. Dù không tìm được người phù hợp trong chương trình, cô lại gặp một người đàn ông thú vị trong buổi tiệc sau đó. Giờ họ đang hẹn hò, dù không đủ điều kiện nhận phần thưởng.

“Tôi chỉ muốn tìm được một người tử tế,” Seyun nói.

Thầy giáo Kim Min-ki và vợ anh, Shin Seona, là một trong số ít cặp kết đôi thành công từ chương trình hẹn hò mang tên “Tàu lượn tình yêu” tại Daegu. Họ quen nhau khi cùng đến sớm 30 phút, đều là giáo viên. Trò chuyện, tham gia các hoạt động tư vấn tâm lý, dã ngoại công viên đã đưa họ đến quyết định kết hôn. Sáu tháng sau, họ làm đám cưới và hiện đã có một con trai.

Chính quyền từng đề nghị hỗ trợ địa điểm cưới tại công viên công cộng, nhưng hai người chọn nơi riêng tư hơn để đánh dấu tình yêu của mình.

Bình luận