Tiêu điểm: Nhân Humanity

7 công nghệ 'bước' từ trong phim ra ngoài đời thực

(VOH) - Sự ra đời của hàng loạt phim điện ảnh về chủ đề khoa học viễn tưởng đã góp phần cảnh báo con người về sức ảnh hưởng và tương lai thống trị của ngành khoa học sau này.

Khi xem phim khoa học viễn tưởng, khán giả rất thích thú với những công nghệ kỳ diệu mà nhân loại đang mơ ước. Ví dụ như các phi thuyền không gian có thể bay nhanh hơn tốc độ ánh sáng, động cơ đẩy dùng nguyên lý phản trọng lực (anti-gravity), di chuyển đến bất cứ đâu bằng phương pháp dịch chuyển tức thời (teleportation), dùng phương pháp nhân bản (clone) để sản xuất con người nhân tạo nhằm thu hoạch các bộ phận nội tạng dùng vào cấy ghép cho người thật...

Tuy vậy, không phải phim nào cũng tưởng tượng ra những điều phi lý theo trí tưởng tượng bay bổng của các đạo diễn và biên kịch. Có những bộ phim viễn tưởng ra đời hồi đầu thế kỷ 20 và các thập niên sau đã dự đoán rất chính xác những thành tựu khoa học kỹ thuật trong tương lai, đến nay tất cả đều trở thành hiện thực.

Công nghệ ngày nay đã phát triển vượt bậc, làm thay đổi cuộc sống của chúng ta và chúng giúp chúng ta tiện nghi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những công nghệ này sẽ tiếp tục được nâng lên một tầm cao mới và thay đổi cách mà con người chúng ta sinh sống trong tương lai gần, giống như những gì bạn thường thấy trong các bộ phim.

1. Du hành lên Mặt Trăng: Phim ‘Le Voyage Dans La Lune’ (1902) – Pháp

 Phim ‘Le Voyage Dans La Lune’ (1902)

Hàng ngàn năm nay, vũ trụ đã trở thành một đề tài hấp dẫn của nhân loại bởi sự xa xôi và bí ẩn vô tận. Từ những bức vẽ tượng hình về các thiên thể trên vách các hang động thời Cổ Đại cho đến các bức tranh, tác phẩm nổi tiếng về bầu trời của các danh họa và học giả từ thời Trung Cổ, Phục Hưng… đã thể hiện khát vọng vươn cao, chinh phục những điều không tưởng của con người.

Ngay từ năm 1865, như một lẽ tất yếu, vũ trụ và du hành đến mặt trăng đã sớm trở thành đề tài yêu thích của điện ảnh ngay từ thuở sơ khai với bộ phim Le Voyage Dans La Lun của đạo diễn Georges Méliès năm 1902.

Mặc dù công nghệ điện ảnh còn rất sơ khai, nhà sản xuất người Pháp Georges Méliès đã thực hiện một bộ phim có độ dài 13 phút mô tả các nhà thám hiểm bay lên Mặt trăng trong một phi thuyền hình viên đạn, được phóng lên không gian bằng một khẩu đại bác khổng lồ. Người xem không chỉ tận hưởng những khoảnh khắc đi xa khỏi thế giới thường ngày để bước vào một giấc mơ kỳ thú được hiện thực hóa bằng ngôn ngữ điện ảnh kỳ ảo và cuốn hút.

Bộ phim này như đã dự báo con người sẽ thực hiện được việc du hành lên Mặt trăng và trở về Trái đất an toàn.

Vào ngày 20/7/1969, phi hành gia người Mỹ Neil Amstrong đã hiện thực hóa mơ ước đặt chân lên Mặt trăng của các nhà làm phim và tiểu thuyết gia viễn tưởng.

2. Robot: Phim ‘Metropolis’ (1927) - Đức

Phim ‘Metropolis’ (1927) - Đức

Bộ phim ít người biết của đạo diễn người Đức Fritz Lang khó tiếp cận với khán giả hiện nay vì nó được quay bằng phim đen trắng, không có âm thanh và thời lượng dài đến 2 tiếng. Nhưng bộ phim đưa ra dự báo rằng trong tương lai con người sẽ chế tạo ra các robot để phục vụ cuộc sống.

Là một trong những bộ phim đầu tiên thuộc thể loại này, Metropolis đã trở thành cột mốc đáng nhớ cho lịch sử điện ảnh Hollywood với thông điệp đi trước thời đại của nó. Bộ phim phê phán xã hội tư bản vô cảm với sự vận hành của máy móc cùng lòng ích kỷ của con người, nhắn nhủ tầm quan trọng về sự tồn tại của “trái tim” giữa xã hội vật chất đầy hỗn loạn.

Sức sáng tạo đi trước thời đại của đạo diễn Fritz Lang đã đưa Metropolis trở thành tác phẩm điện ảnh tiên phong cho dòng phim khoa học viễn tưởng, mở ra cho thế giới những câu hỏi về mối quan hệ giữa con người và máy móc trong thời đại phát triển vượt bậc của công nghệ.

Đến nay, ở nơi làm việc, robot có thể đảm nhiệm những công việc khó khăn, nguy hiểm và cả tẻ nhạt, từ đó giảm rắc rối và rủi ro cho con người. Công việc có thể được vận hành một cách nhanh chóng, hiệu quả và ít sai lầm hơn.

3. Điện thoại di động: Phim 'Star Trek' (1966) - Mỹ

Phim 'Star Trek' (1966) - Mỹ

Những bạn đọc đã từng xem truyền hình những năm cuối thập niên 1960 chắc hẳn còn nhớ phim viễn tưởng Star Trek.

Series phim Star Trek nguyên bản nổi tiếng vì đã tạo nên những công nghệ chỉ có trong tưởng tượng, và bây giờ nhiều trong số đó đã thành hiện thực. Trong cảnh phim, khi đoàn thám hiểm Star Trek đáp xuống một hành tinh lạ đã dùng một cái bộ đàm nhỏ xíu cầm gọn trên tay để liên lạc với tàu vũ trụ Enterprise trên quỹ đạo.

Các nhà khoa học nhận xét rằng Star Trek là bộ phim đưa ra nhiều dự báo chính xác về sự phát triển công nghệ thế giới. Riêng về chiếc bộ đàm trong phim đã trở thành hiện thực vào năm 1983, khi hãng Motorola (Mỹ) đưa thị trường chiếc di động đầu tiên trên thế giới DynaTAC.

Kỹ sư Martin Cooper - cha đẻ của chiếc DynaTAC, cho biết chiếc bộ đàm trong phim Star Trek đã gợi cho ông ý tưởng sáng chế một chiếc điện thoại có thể mang theo mình đi đây đi đó. DynaTAC cũng được xem là ‘ông tổ’ của các dòng điện thoại di động và smartphone ngày nay.

4. Máy bay không người lái: Phim ‘The Terminator’ (1984) - Mỹ

Phim ‘The Terminator’ (1984)

Bộ phim viễn tưởng bom tấn The Terminator đã phác họa một thế giới tương lai khi máy móc thông minh đến mức chúng tìm cách tiêu diệt loài người để thống trị Trái đất. Trong phim, cảnh chiến đấu ác liệt giữa các máy bay không người lái ‘sát thủ’ (hunter-killer drone) và con người đã gây ấn tượng cực mạnh cho khán giả xem phim.

Vào thập niên 80, công nghệ chế tạo máy bay không người lái điều khiển từ xa chưa có những tiến bộ như hiện nay, nên các loại drone thời đó khá thô sơ. Với trí tưởng tượng phong phú, đạo diễn James Cameron đã làm giới quân sự mơ ước về một loại drone tự hành thông minh đến mức có thể tự hoạt động, biết nhận dạng đối phương và ra quyết định tấn công mà không cần sự điều khiển của con người.

Mãi đến năm 1994, Hãng General Atomics (Mỹ) mới chế tạo thành công chiếc drone quân sự đầu tiên là MQ-1 Predator có trang bị tên lửa AGM-114 Hellfire để tấn công mục tiêu mặt đất.

Predator và thế hệ sau là MQ-9 Reaper được điều khiển từ xa bởi các phi công thực thụ ở căn cứ cách đó hàng ngàn cây số. Các loại drone ‘săn mồi’ này đã tiêu diệt được nhiều phần tử khủng bố ở các nước Afghanistan, Pakistan, Iraq, Yemen, Lybia và Somalia.

The Terminator đã vẽ nên một tương lai đen tối khi trí thông minh nhân tạo thống trị Trái Đất và tạo ra những người máy hủy diệt nhân loại. Mọi vũ khí của Skynet trong phim đều được tự động hóa. Giờ đây, những chiếc máy bay, xe cộ không người lái đã không còn xa lạ với chúng ta. Thậm chí, trí tuệ nhân tạo A.I còn có khả năng tự học hỏi để trở nên thông minh hơn trước. Có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng nổi loạn như các kịch bản của Hollywood chăng?

5. Nhà thông minh: Phim ‘Demon Seed’ (1977) - Mỹ

Phim ‘Demon Seed’ (1977)

Nhiều người cho rằng chính bộ phim Smart House ra năm 1999 là phim đầu tiên mô tả về một ngôi nhà được trang bị các công nghệ thông minh phục vụ chủ nhân, hay còn gọi là Smart Home. Nhưng ít người biết rằng chính phim viễn tưởng Demon Seed sản xuất năm 1977 của đạo diễn Donald Cammell mới là phim đầu tiên đưa ra dự báo này.

Trong phim, khoa học gia Alex Harris chế ra một máy tính trang bị trí tuệ nhân tạo tên Proteus IV để giúp ông nghiên cứu cách điều trị bệnh ung thư máu và có thể quản lý và vận hành mọi thiết bị sinh hoạt trong căn nhà của ông.

Nhà thông minh chỉ xuất hiện trong trí tưởng hoặc trên phim ảnh. Nhưng đến đầu những năm 1900, các nhà khoa học đã nghiên cứu thiết bị điều khiển từ xa, bắt đầu được nghiên cứu và phát minh, tạo tiền đề cho sự ra đời sau này của Smarthome.

Sau đó, sự manh nha phát triển của các thiết bị điện gia dụng bắt đầu từ năm 1915, để rồi ý tưởng tự động hóa các thiết bị trong nhà xuất hiện vào những năm 1930. Đến tận năm 1984, thuật ngữ  “Smarthome”mới xuất hiện.

6. Tai nghe nhét tai earbud: Phim ‘Fahrenheit 451’ (1966) - Mỹ

Phim ‘Fahrenheit 451’ (1966)

Dựa theo truyện viễn tưởng ‘Fahrenheit 451’ của nhà văn Mỹ Ray Bradbury, đạo diễn người Pháp François Truffaut đã quay bộ phim có cùng tên vào năm 1966. Thời điểm này, phương tiện nghe tin tức có thể mang theo người là cái radio, và dù ngày ấy đã có tai nghe (headphone) nhưng chúng rất to và cồng kềnh.

Phim Fahrenheit 451 mô tả các nhân vật trong phim sử dụng một loại thiết bị nhỏ có thể gắn vào tai để nghe nhạc và đàm thoại giống như loại tai nghe nhét tai (earbud) ngày nay. Trên thực tế, mãi đến năm 2001, dự báo này mới trở thành hiện thực khi Apple trình làng thiết bị nghe nhạc cá nhân iPod có kèm bộ tai nghe nhỏ gọn.

7. Video call: Phim ‘2001: A Space Odyssey' (1968) - Mỹ

Phim ‘2001: A Space Odyssey' (1968) - Mỹ

Bộ phim viễn tưởng kinh điển của đạo diễn người Mỹ Stanley Kubrick đưa ra rất nhiều dự báo về các thiết bị và ứng dụng tương lai, nhưng đáng chú ý nhất là dự báo về một ứng dụng đàm thoại video xuyên không gian, công nghệ tương lai nay đã thành hiện thực.

Một trường đoạn trong phim mô tả cảnh nhà du hành vũ trụ Heywood Floyd đang ở trên trạm không gian gọi điện thoại video về gia đình đang ở Trái đất.

Vào thời máy vi tính còn sơ khai của những năm cuối thập niên 1960 và chưa có Internet, đàm thoại video là niềm mơ ước của giới viễn thông. Dù trước và sau đó đã có những nỗ lực chế tạo ra những thiết bị thoại video nhưng tất cả đều không thành công vì nhiều hạn chế về kỹ thuật thời đó.

Gần 23 năm sau dự báo về việc video call sẽ trở thành phương thức phổ biến trong tương lai, dịch vụ video-chatting Cu-SeeMe ra đời. Hiện nay, sự phát triển của các ứng dụng như Skype hay Facetime được coi là một hiện thực mang tính tất yếu.

T.A (Tổng hợp)

Bình luận