VOH phỏng vấn Tiến sĩ Dương Minh Tâm - Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, nguyên Phó Trưởng ban Khu Công nghệ cao TPHCM về quá trình xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực tế phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
*VOH: Thưa ông, trong nhiều diễn đàn, ông từng nhắc tới những thành công trong phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, đó là những thành công nào?
Tiến sĩ Dương Minh Tâm: Đó là quyết tâm và nhận thức của toàn xã hội.
Nhiều người thấy chuyện làm chip như Intel và mấy công ty lớn của nước ngoài là vô vọng, không làm được. Khi thấy Trung Quốc sản xuất chip led, đèn led, mới nói, đầu tư vô linh kiện vi mạch bán dẫn như đèn led, mấy tia đèn hồng ngoại là không thể, làm sao mà cạnh tranh với Trung Quốc! Rồi solar cell (pin mặt trời) cũng nhập từ nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc…).
Về phương diện đầu tư, nhà doanh nghiệp Việt Nam rất e ngại trong đầu tư và phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Điều đó cũng đúng, bởi vì vốn ít, không thể liều được bởi vì ngành vi mạch bán dẫn thì độ rủi ro rất cao nhưng ở đây, nhận thức xã hội là vẫn quyết tâm làm.
Thực tế chứng tỏ là 3 khu công nghệ cao quốc gia: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đà Nẵng, TPHCM đều ưu tiên thu hút những doanh nghiệp về công nghiệp vi mạch bán dẫn.
*VOH: Cụ thể là doanh nghiệp nào đang dẫn đầu trong ngành này và có thành công bước đầu, thưa ông?
Tiến sĩ Dương Minh Tâm: Nổi bật là Khu công nghệ cao TPHCM thu hút Intel, Jabil, Samsung và nhiều công ty vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới, kể cả những công ty nhỏ về thiết kế vi mạch.
Từ kinh nghiệm Intel, khởi đầu rất e ngại về nhân lực của Việt Nam không đáp ứng được nhưng sau 5, 6 năm họ rất kinh ngạc. Nhân lực của các trường đại học vào Intel và các công ty khác tái đào tạo lại một thời gian là rất giỏi. Cụ thể là chỉ tiêu về phế phẩm của nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao là thấp nhất thế giới, có những lúc bằng 0. Trong khi những nhà máy của Intel trên thế giới, phế phẩm thường là 5%.
Từ sự kinh ngạc đó, Intel và các công ty khác nhận thức được là nguồn nhân lực mới về ngành điện tử, vi mạch rất tốt và họ tăng cường đầu tư. Năm nay, Intel tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu đô la Mỹ và sản lượng của Intel năm nay có thể 15 tỷ đô la Mỹ.
Samsung cũng thế, mở trung tâm R&D tại Hà Nội và Trung tâm R&D tại nhà máy Sam Sung tại Khu công nghệ cao, đó là những thành công.
Dựa vào nguồn lực, sức mạnh của các "đại gia" trên thế giới về vi mạch bán dẫn là hướng đi đúng đắn nhưng chúng ta phải tự lực. Có những công ty nhỏ đã đầu tư vào chế tạo, thiết kế linh kiện vi mạch bán dẫn.
Thành công nữa là nhận thức về nguồn nhân lực và đào tạo các trường đại học bắt đầu có thay đổi về chương trình đào tạo, cập nhật, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp… Chúng ta nhớ là cách đây không lâu, Việt Nam từng thiết kế và chế tạo được con chip của IC-Direct của Đại học Quốc gia, chứng tỏ sức mạnh của trí tuệ Việt Nam.
Chúng ta tin tưởng rằng, hướng đi là không sai và phải tiếp tục đầu tư mạnh hơn.
*VOH: Còn những việc chúng ta chưa làm được thì sao, thưa ông?
Tiến sĩ Dương Minh Tâm: Những việc chúng ta chưa làm là nguồn lực đầu tư, nhất là cơ chế tiêu thụ sản phẩm. Bây giờ, một công ty như công ty hàng không nhập con chip của một công ty vi mạch bán dẫn thì nó phải đủ tin cậy để máy bay bay lên, không trục trặc gì hết. Nhập con chip của công ty khởi nghiệp, ai dám mua. Lỡ máy bay rớt xuống ai chịu trách nhiệm. Đó là khó khăn.
Thành ra, uy tín của sản phẩm cần phải có thời gian nhưng bù lại là có một khách hàng "dễ tính" và tương đối rộng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp vi mạch bán dẫn là nhà nước sử dụng cho quốc phòng, an ninh, sử dụng cho những con robot rà phá bom mìn, định vị GPS… Nhà nước đầu tiên phải là "bà đỡ", đó là con đường của Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan đều đi. Các nước tiên tiến như Đức, Pháp đều phải bao cấp. Tôi nói bao cấp ở đây là giúp đỡ và hỗ trợ doanh nghiệp ngay lúc khó khăn.
Chúng tôi rất vui mừng là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có những hợp tác với doanh nghiệp trong phát triển vi mạch bán dẫn cũng như phần mềm 4.0. Qua kinh tế số, chúng ta chuyển đổi số, thành ra càng thuận lợi.
Còn một số hạn chế là chương trình phát triển vi mạch bán dẫn của thành phố là điều kiện khách quan nhưng chúng tôi hy vọng sắp tới, TPHCM phải nhận thức những gì chưa làm được, để nâng cấp chương trình và phát triển.
*VOH: Cảm ơn ông !