Chờ...

Dạy và học nghề - Phải thay đổi từ tư duy

(VOH) - Hôm qua, chúng tôi đã chuyển đến quý vị phần đầu của loạt bài “Vì sao trường nghề chưa thu hút học sinh”, đề cập đến nghịch lý khi tình trạng thiếu lao động kỹ thuật lành nghề diễn ra ở khắp nơi, cung không đủ cầu, trong khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp thì vẫn còn cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo lại thấp, thế nhưng học sinh vẫn chưa mặn mà với việc học nghề. Như đã hẹn, hôm nay chúng tôi xin chuyển đến quý vị phần tiếp theo của bài viết nhan đề “Dạy và học nghề - Phải thay đổi từ tư duy”.

Bài 2: Dạy và học nghề - Phải thay đổi từ tư duy

Trong xu thế hội nhập, nguồn nhân lực có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là nguồn nhân lực kỹ thuật lành nghề, chất lượng cao. Tuy nhiên, giữa nhu cầu của thị trường lao động và và bên cung - các trường nghề đang có độ vênh rất lớn, cả về lượng và chất. Đã vậy, như chúng tôi đề cập, các trường nghề vẫn đang gặp rất nhiều khó trong việc thu hút học sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, như đầu tư cho các trường nghề chưa tương xứng nên cơ sở vật chất các trường nghề chưa đầy đủ, chất lượng đào tạo còn thấp, mức lương khi ra trường không được như mong muôn… Tuy nhiên, có một nguyên nhân sâu xa mà theo chúng tôi lớn hơn hết thảy, đó là tâm lý khoa cử “trọng thầy, khinh thợ” đã ăn sâu trong suy nghĩ nhiều người, trong xã hội.

Nhiều người vẫn thường nói rất xuôi câu nói cửa miệng “nghề nào cũng là nghề” nhưng thực tế, phần lớn họ lại hành động khác. Hầu hết các bậc phụ huynh đều hướng con em phải trở thành bác sĩ, kỹ sư..., nghĩa là ít nhất phải vào Đại học, thậm chí họ không cần biết con em mình có sở thích hay năng khiếu về mặt nào, năng lực tới đâu. Suy nghĩ này mặc nhiên được xem là “nguyện vọng một” của giới trẻ, theo cách hiểu là lựa chọn ưu tiên số một ở ngưỡng cửa vào đời. Còn làm y tá, điều dưỡng hay thợ máy, cho dù có thể đạt tới trình độ cao, vẫn bị xem là “nguyện vọng hai”, là “chuột chạy cùng sào”, phải chấp nhận một cách miễn cưỡng. Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng TCDN nhìn nhận về thực tế này:

Thực tế trong đời sống hàng ngày, chúng ta chứng kiến không ít những câu chuyện mà nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy, cả xã hội đang hướng giới trẻ mộng làm thầy chứ không làm thợ. Nhiều bậc cha mẹ đang thúc ép con trẻ học ngày học đêm, nhồi vào đầu chúng tư tưởng “không có đại học thì chỉ còn nước đi đổ rác hay bán vé số”. Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TBXH TPHCM cho rằng, ngay cả những thầy cô giáo ở trường phổ thông vẫn mang tâm lý khoa cử, thì hỏi sao học trò được hướng nghiệp một cách nghiêm túc, thực chất được:

Chính vì được hướng nghiệp theo kiểu tư duy máy móc, cũ kỹ như vậy nên với nhiều học sinh, ngay cả những trường hợp chỉ đủ khả năng tốt nghiệp trung học cơ sở, thì con đường học nghề thậm chí còn không được nghĩ tới như là giải pháp cuối cùng.

Thực ra, tâm lý chú trọng bằng cấp đã ăn quá sâu vào đời sống xã hội. Nó xuất hiện khắp nơi, muôn màu muôn vẻ và ngày càng trở nên hình thức. Chính những suy nghĩ này đã làm cho hoạt động dạy nghề trở nên “mất giá” trong toàn bộ hệ thống đào tạo nguồn nhân lực, và quan trọng hơn, con đường phát triển nguồn nhân lực không tạo ra một cơ cấu lao động có khả năng đáp ứng yêu cầu xã hội. Nghịch lý nằm ở chỗ nhu cầu thực tiễn đang thiếu trầm trọng một đội ngũ thợ lành nghề ở hầu hết mọi lĩnh vực, trong khi có hàng loạt sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không tìm được việc làm đúng ngành nghề, phải đi làm những công việc không chuyên, lương thấp. Một sự lãng phí ghê gớm không dễ gì cân đong đo đếm được.

Để phát triển dạy nghề, bên cạnh những giải pháp như tăng cường đầu tư cho dạy nghề, các trường phải thay đổi để nâng cao chất lượng đào tạo, kêu gọi sự hợp tác của doanh nghiệp …, một trong những giải pháp quan trọng nhất là phải đẩy mạnh việc tuyên truyền hướng nghiệp. Bởi với tâm lý trọng khoa cử vẫn còn nặng nề trong xã hội, trong khi công tác hướng nghiệp, tuyên truyền vẫn còn yếu, thông tin chưa đầy đủ, thì việc các trường nghề không thu hút được học sinh cũng là dễ hiểu. Ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM nhận định, hiệu quả trong việc định hướng chọn trường, chọn nghề cho học sinh còn thấp:

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, hướng nghiệp không phải chỉ là ngồi trong trường trong lớp định hướng, mà cần phải tổ chức những buổi tham quan thực tế cho học sinh, có vậy công tác hướng nghiệp mới đi vào thực chất:

Có một thực tế nữa là nhiều doanh nghiệp dù rất cần, nhưng lại không thật sự trọng dụng công nhân lành nghề, trả lương không tương xứng. Lời kêu ca thiếu lao động kỹ thuật lành nghề sẽ còn tiếp tục, nếu bản thân các doanh nghiệp cũng không chịu thay đổi. Ông Nguyễn Phan Hoà, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nhân Đạo cho rằng, định hướng xã hội không gì hiệu quả hơn những minh chứng thực tế, nghĩa là người học nghề có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá, thậm chí là làm giàu. Ông Hoà nhấn mạnh:

Khi nào môi trường gia đình và xã hội vẫn giữ cái nhìn thiếu công bằng và một cơ chế sử dụng lao động thiếu trọng dụng đối với những người học nghề, khi ấy trường nghề sẽ còn tiếp tục gặp khó trong việc thu hút thanh niên. Do vậy, để phát triển đào tạo nghề, toàn xã hội - từ nhà nước đến doanh nghiệp, từ nhà trường đến gia đình cần chung sức lại. Những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan trong việc trường nghề chưa thu hút được học sinh không phải là điều có thể thay đổi trong ngày một ngày hai, nhưng chắc chắn là phải thay đổi ngay từ bây giờ, bởi nếu chậm chân, cũng có thể xem như một bước thụt lùi. Và trước tiên, phải thay đổi từ tư duy.

Hoàng Lĩnh