Tiêu điểm: Nhân Humanity

EU thành lập lực lượng đặc nhiệm để đối phó với ChatGPT

(VOH) - Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB) đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giúp các quốc gia đối phó với ChatGPT. Điều này cũng tăng áp lực lên nhà sản xuất OpenAI của Hoa Kỳ.

Theo Reuters, các thành viên EDPB đã thảo luận và quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách để thúc đẩy hợp tác và trao đổi thông tin về quản lý, bảo vệ dữ liệu liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT.

Các quốc gia thành viên EU không tìm cách trừng phạt hoặc đưa ra các quy tắc sẽ ảnh hưởng đến OpenAI - chủ sở hữu ChatGPT, mà là để tạo ra các chính sách chung "minh bạch" nhằm thiết lập các quy tắc về quyền riêng tư đối với các sản phẩm trí tuệ nhân tạo.

EDPB là cơ quan độc lập giám sát các quy tắc bảo vệ dữ liệu trong Liên minh Châu Âu (EU), tập hợp cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của các quốc gia thành viên EU.

chatgpt
EU thành lập lực lượng đặc nhiệm để đối phó với ChatGPT

Đọc thêm: Cặp đôi nhờ ChatGPT soạn lời thề trong lễ cưới: Rất sến nhưng giúp giảm bớt căng thẳng

Trước động thái của Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB), một số nước châu Âu đã có hành động nhằm hạn chế ChatGPT.

Cuối tháng 3/2023, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Italy thông báo đã chặn các hoạt động của ChatGPT tại nước này, với lý do chatbot này không tôn trọng dữ liệu người dùng và không thể xác minh tuổi của người dùng.

Cơ quan giám sát AEPD của Tây Ban Nha ngày 13/4/2023 cũng cho biết sẽ tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ về những nguy cơ vi phạm dữ liệu tiềm ẩn của ChatGPT.

Nhiều chuyên gia, chính phủ Mỹ và một số chính phủ châu Âu khác cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng của việc áp dụng ChatGPT và các sản phẩm AI tương tự.

ChatGPT là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo đột phá, sử dụng mô hình ngôn ngữ GPT-3 để tạo ra các văn bản có chất lượng cao và đa dạng. ChatGPT cũng có thể giúp học sinh - sinh viên vượt qua các kỳ thi khó bằng cách cung cấp các gợi ý, lời giải hay những kiến thức bổ sung.

Dù mới xuất hiện từ tháng 11/2022, ChatGPT đã trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử với hơn 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về các mối đe dọa an toàn, an ninh mạng và quyền riêng tư.

Cơ quan quản lý CNIL của Pháp, được coi là quyền lực nhất châu Âu, đã mở một vụ kiện sau khi nhận được năm khiếu nại liên quan tới ChatGPT, một trong số đó là từ nghị sĩ Eric Bothorel. Ông cho rằng chatbot này đã bịa ra các chi tiết về cuộc đời ông, bao gồm cả ngày sinh và lịch sử công việc.

Theo quy định bảo vệ dữ liệu của Châu Âu (GDPR), các hệ thống như vậy có nghĩa vụ cung cấp dữ liệu cá nhân chính xác nhất có thể.

Bình luận