Tiêu điểm: Nhân Humanity

Một số lưu ý quan trọng cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2016

(VOH) - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cả nước có 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì, dành cho thí sinh dự thi để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ và 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì. Để hoàn thành tốt kỳ thi quan trọng này, thí sinh cần lưu ý một số vấn đề quan trọng

Nắm kỹ lịch thi THP Quốc gia năm 2016

Kỳ thi THPT năm 2016 tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận (thời gian làm bài 180 phút). Các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm (90 phút). Các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Riêng môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. 

Có thể sửa chữa thông tin một ngày trước kỳ thi

Thời điểm hiện tại, các thí sinh cũng đã nhận giấy báo thi tại các trường THPT hoặc các Sở GD&ĐT. Theo quy định, ngày 30/6 các thí sinh sẽ tới các điểm thi để nghe phổ biến quy chế thi, điều chỉnh lại một số thông tin sai lệch trong phiếu đăng ký dự thi. Cũng trong ngày 30/6, các trường hợp mất giấy báo thi cũng sẽ được cấp hoặc giải quyết để ngày 1/7 thí sinh được dự thi. Theo Bộ GD&ĐT, thông tin chỉ được điều chỉnh, bổ sung trong ngày 30/6, sau ngày này mọi thay đổi, bổ sung đều không có giá trị.

Có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định

Thí sinh cần đến điểm thi trước thời gian quy định khoảng 30 phút, nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó. Khi vào phòng thi, thí sinh phải trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi, ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Thời gian thi buổi sáng từ 7h30, buổi chiều từ 14h30.

Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh vào đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng. Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần lưu ý bảo quản bài thi nguyên vẹn, tránh bị người khác lợi dụng. Nếu phát hiện có người khác xâm hại đến bài thi của mình phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý.

Ảnh minh họa - Nguồn: Tinmoi

Các loại máy tính thí sinh được phép mang vào phòng thi

Theo Quy chế thi THPT Quốc gia 2016, các máy tính bỏ túi được phép đem vào phòng thi là các máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. Danh sách cụ thể các máy tính cầm tay thông dụng (làm được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt) đáp ứng yêu cầu nói trên là:

- Casio FX 570 MS, FX 570 ES Plus và FX 570VN Plus, FX 500MS,FX 500 VNPlus;

- VinaCal 500 MS, 570 MS, 570 ES Plus, 570 ES Plus II;

- Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES Plus Function, VN 570 RS VN 570 ES, VN-570 ES Plus;

- Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; - Canon F-788G, F-789GA;

Và một số máy tính khác tương đương chức năng trên.

Tránh trượt oan vì điện thoại

Theo quy chế thi THPT Quốc gia 2016, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành). Các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 vừa qua, có rất nhiều thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Theo quy định, thí sinh khi bị phát hiện mang điện thoại di động vào phòng thi dù dùng hay tắt nguồn vẫn bị lập biên bản, đình chỉ thi, không được xét tốt nghiệp.

Giữ cẩn thận phiếu số 2

Khi nộp hồ sơ thi THPT quốc gia, đơn vị tiếp nhận hồ sơ thi THPT sẽ đóng dấu xác nhận trên phiếu số 2 và chuyển cho học sinh. Phiếu số 2 có ý nghĩa quan trọng trong việc đối chiếu thông tin đã đăng ký và làm cơ sở điều chỉnh thông tin cũng như hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

 

Một số quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Điểm bảo lưu của thí sinh do cơ quan chủ quản của trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 xác nhận.

- Với thí sinh đăng ký dự thi năm nay tại trường phổ thông nơi các em đã dự thi năm 2015, trường phổ thông căn cứ kết quả điểm thi năm 2015 (nếu có) để xác định điểm bảo lưu cho thí sinh.

- Thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông được chọn địa điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại một trong các đơn vị đăng ký dự thi do các sở giáo dục và đào tạo quy định.

- Tuy nhiên, các em phải dự thi tại cụm thi mà các thí sinh đang học trung học phổ thông của đơn vị đăng ký dự thi đó được dự thi theo quy định.

- Thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển đại học, cao đẳng được lựa chọn thi tại cụm thi do trường đại học chủ trì và nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại địa điểm phù hợp với điều kiện của thí sinh.

 - Thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ trung học phổ thông nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2016 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước.

Bình luận