Khoản tài trợ được Bộ Thương mại công bố hôm thứ Hai 15/4, là một phần trong tổng vốn đầu tư vào cụm nhà máy này, dự kiến sẽ vượt quá 40 tỷ USD.

Sự hỗ trợ của chính phủ đến từ Đạo luật Khoa học và CHIPS mà Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành vào năm 2022 với mục tiêu khôi phục hoạt động sản xuất chip máy tính tiên tiến trong nước.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết: “Dự án được đề xuất sẽ đưa Texas trở thành một hệ sinh thái bán dẫn hiện đại”. “Nó đưa chúng tôi đi đúng hướng để đạt được mục tiêu sản xuất 20% số chip tiên tiến hàng đầu thế giới tại Hoa Kỳ vào cuối thập kỷ này.”
Bà Raimondo kỳ vọng dự án sẽ tạo ra ít nhất 17.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng và hơn 4.500 việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
Cụm trung tâm này của Samsung ở Taylor, Texas, sẽ bao gồm hai nhà máy sản xuất chip 4 và 2 nanomet. Ngoài ra, sẽ có một nhà máy dành riêng cho việc nghiên cứu và phát triển, cũng như một cơ sở đóng gói bao bì các thành phần chip.
Theo chính phủ, nhà máy đầu tiên sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2026 và nhà máy thứ hai sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2027.
Khoản tài trợ này cũng sẽ mở rộng cơ sở hiện có của Samsung ở Austin, Texas.
Lael Brainard, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, cho biết kết quả là Samsung sẽ có thể sản xuất chip ở Austin trực tiếp cho Bộ Quốc phòng. Việc tiếp cận công nghệ tiên tiến đã trở thành mối lo ngại lớn về an ninh quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài 6,4 tỷ USD, Samsung còn cho biết họ cũng sẽ yêu cầu khoản tín dụng thuế đầu tư từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Gần đây chính phủ Mỹ cũng đã công bố các điều khoản để hỗ trợ các nhà sản xuất chip khác bao gồm Intel và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan trong các dự án trên nước Mỹ.