Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lí Khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM cho biết đã lên kế hoạch triển khai xây dựng trường mầm non ở cả 13 khu chế xuất - khu công nghiệp có quỹ đất xây dựng trường mầm non: “Trong các khu chế xuất, khu công nghiệp để xây dựng trường mầm non chúng tôi có 23 dự án. Chúng tôi sẽ cùng quận huyện rà soát từng dự án, dự án nào giao đất được thì giao liền, còn dự án nào vướng đền bù giải tỏa thì tiếp tục giao đất”.
Dự kiến trong năm 2014, TP.hcm sẽ đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 121 trường mầm non với tổng kế hoạch bố trí vốn đợt 1 gần 215 tỷ đồng. Tuy thành phố ưu tiên ghi vốn cho mầm non nhưng chỉ dựa vào vốn ngân sách tập trung thì không đủ, do vậy rất cần các chính sách xã hội hóa nhằm giảm tải cho các trường mầm non công lập.
Theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, đề xuất khuyến khích xã hội hóa bằng các hình thức hỗ trợ gián tiếp như kéo dài thời gian vay vốn kích cầu, miễn giảm tiền thuê đất, đào tạo bồi dưỡng miễn phí nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên ngoài công lập. Như vậy sẽ thiết thực và nâng cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. “Hỗ trợ gián tiếp bằng chính sách kích cầu, tiền thuê đất, sử dụng đất, hỗ trợ bằng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoài công lập miễn phí vì ngân sách đã bố trí rồi, đây là tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập hoạt động tốt”, – bà Lan cho biết.
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ 6-18 tháng tuổi còn cần bổ sung đội ngũ giáo viên bởi vì trẻ càng nhỏ thì nhu cầu giáo viên càng lớn. Hiện TP.HCM còn thiếu khoảng 5.000 giáo viên mầm non ở cả trường công lập và ngoài công lập, số giáo viên thiếu chủ yếu ở các đơn vị ngoài công lập.
Mỗi năm bậc mầm non cần tuyển thêm 1.000 giáo viên nhưng cung không đủ cầu vì áp lực công việc, mức thu nhập của giáo viên chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Để giải quyết khó khăn, trong những năm gần đây các trường sư phạm tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, 05 quận huyện ngoại thành được tuyển giáo viên diện KT3 nhưng đây chưa phải là giải pháp căn cơ.
Để thu hút và giữ chân đội ngũ mầm non, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đang hoàn chỉnh đề án chế độ chính sách cho đội ngũ chăm sóc và nuôi dạy trẻ 6-18 tháng tuổi: “Chúng tôi xây dựng đề án đề nghị hỗ trợ, thu hút đội ngũ: giáo viên trực tiếp nuôi dạy trẻ từ 6-18 tháng được hỗ trợ 100% mức lương cơ sở, cán bộ quản lý của trường nuôi dạy trẻ từ 6-18 tháng được hỗ trợ 50% mức lương cơ sở và cán bộ quản lý của trường công lập hỗ trợ quản lý trường ngoài công lập được hỗ trợ 50% mức lương cơ sở”.
Bên cạnh đó, biên chế nhân sự cũng đang được Sở Nội vụ tính toán. Theo đó, Sở Nội vụ sẽ chấp nhận có chức danh bảo mẫu trong trường mầm non, tính toán định biên cán bộ phụ trách mầm non ở các phòng giáo dục sao cho linh hoạt. Bởi lẽ các khu vực tập trung các cơ sở mầm non ngoài công lập cũng chỉ có một cán bộ quản lí và hai chuyên viên phụ trách mầm non như khu vực nội thành vốn đã ổn định thì không hợp lí.
Ông Lâm Trung Nhân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Sở Nội vụ sẽ phối hợp với quận huyện trình UBND TP đề án vị trí việc làm, không nhất thiết rập khuôn như thay vì ở quận trung tâm cán bộ phòng giáo dục chỉ từ 2-3 người thì quận huyện vùng ven có thể tăng lên. Còn đối với trường mầm non xây dựng đề án việc làm Sở nội vụ cũng chấp nhận có chức danh nhân viên nuôi dưỡng (bao gồm cấp dưỡng, bảo mẫu)”.
TP.HCM có truyền thống dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Do vậy, các sở ngành nhận thức được trách nhiệm của mình chủ động đề xuất và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, như vậy triển khai công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ 6-18 tháng tuổi mới nhanh chóng mang lại hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của xã hội.