Từ sự lựa chọn này đặt ra vấn đề nhìn nhận lại thực trạng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường, nguyên nhân trong thái độ thờ ơ của học sinh với môn Lịch sử cũng như những giải pháp nâng cao chất lượng môn học này.
Xin mời quý vị cùng theo dõi cuộc trao đổi của phóng viên Đài TNND TPHCM với
PGS-TS Sử học Nguyễn Văn Tiệp:
* Thưa ông, năm nay là năm đầu tiên học sinh được lựa các môn thi tốt nghiệp THPT, nhưng khảo sát ở nhiều trường cho thấy học sinh chọn thi môn Sử đạt tỉ lệ rất thấp, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp: Trước việc năm nay Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép thi tốt nghiệp được lựa chọn môn thi là cải tiến mới đồng thời đặt ra những vấn đề cần suy ngẫm: sinh chọn thi môn Sử đạt tỉ lệ rất thấp thậm chí có trường không có học sinh nào chọn thi môn Lịch sử phản ánh tình trạng của giáo dục hiện nay, việc dạy và học Sử đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.
* Quả thật việc dạy và học môn Lịch sử còn nhiều vấn đề trăn trở, như năm nay rất ít học sinh lựa chọn thi Sử, hay năm ngoái học sinh xé giấy reo mừng vì không phải thi tốt nghiệp môn Sử, hàng ngàn học sinh thi đại học bị điểm kém môn Sử…phải chăng học sinh đang quay lưng với Lịch sử nước nhà?
- PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp: Tôi không nghĩ thế hệ trẻ không yêu thích môn Lịch sử, không quan tâm đến khoa học lịch sử. Tuy nhiên, họ không chỉ học trong sách mà tiếp cận được nhiều nguồn thông tin nên tư duy khoa học cao hơn, yêu cầu nhận thức chân thực và khách quan hơn. Vì vậy khi đọc các giáo trình Lịch sử không đáp ứng mong đợi của họ thì họ không tha thiết đến với khoa học lịch sử.
* Ông có thể nói cụ thể hơn vì sao chương trình, sách giáo khoa Lịch sử lại là nguyên nhân chính khiến học sinh chưa mặn mà với môn Lịch sử?
- PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp: Trước hết giáo trình Lịch sử biên soạn dài dòng nặng nề tạo ra áp lực rất lớn với học sinh. Thứ hai rất tiếc trong nội dung chương trình của sách giáo khoa chưa được trình bày như mong đợi như sự kiện Điện Biên Phủ là thắng lợi của toàn dân tộc, trong đó công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải có những trang viết tương xứng với công lao đại tướng hay sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc là sự kiện xảy ra chưa lâu lắm, cần giáo dục cho học sinh biết những sự kiện này… với liều lượng đúng, đủ đánh giá khách quan trung thực thì tôi nghĩ giáo dục Lịch sử tăng thêm hàm lượng tính khoa học, khách quan thì giá trị giáo dục sẽ tăng thêm.
* Ông có thể đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử?
- PGS-TS Nguyễn Văn Tiệp: Đây là vấn đề cần có sự nhìn nhận lại của Bộ Giáo dục Đào tạo, Hội khoa học lịch sử, các nhà sử học… cần tham gia vào. Cần thay đổi phương pháp đánh giá, không cần yêu cầu học sinh trình bày chi tiết sự kiện mà cần dạy cho học sinh đánh giá, hiểu sự kiện một cách khách quan, khoa học để giáo dục tinh thần yêu nước. Thêm nữa, khi thi vào các ngành khoa học xã hội, trong đó có Lịch sử có ít ngành nghề, ít cơ hội việc làm hơn các ngành kinh tế, khoa học kĩ thuật nên số sinh viên định hướng khoa học lịch sử không nhiều, phần lớn là học sinh năng lực vừa phải không thi được các ngành khác. Vấn đề quan trọng là đánh giá, nhìn nhận về vai trò của khoa học xã hội trong sự phát triển đất nước hiện nay để đối xử công bằng như các ngành khoa học khác, như vậy cũng sẽ cải thiện tình hình học tập và thi cử hiện nay.