Đăng nhập

Phòng ngừa và xử lý khi trẻ bị bắt cóc

(VOH) - Bắt cóc trẻ em luôn là nỗi lo sợ lớn nhất với các bậc phụ huynh. Để trang bị kiến thức phòng chống bắt cóc cho trẻ đạt hiệu quả cao, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có phương pháp tiếp cận vấn đề một cách thích hợp.

Trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho trẻ

* Trẻ từ 3 đến dưới 4 tuổi: Lứa tuổi này trẻ chưa có kinh nghiệm sống và không thể phân biệt được người xấu. Do các bé có thể nhớ được những người thường chăm sóc mình, nên phụ huynh có thể dạy trẻ cách tự bảo vệ trước người lạ; giải thích cho bé các khái niệm để có thể phân biệt được người thân/ người lạ. Ví dụ như người lạ là người mình chưa bao giờ gặp gỡ, tiếp xúc... không bao giờ được đi theo hoặc ăn hay nhận bất cứ gì từ người lạ.

Ngoài việc dạy các cháu biết tự bảo vệ mình, người lớn cũng luôn phải ở bên cạnh các cháu để chăm sóc, bảo vệ và hướng dẫn khi gặp các tình huống phù hợp.

* Trẻ từ 4 đến 6 tuổi: Ở lứa tuổi này bé đã nhận thức và có ý thức giữ an toàn cho bản thân. Ngoài việc dạy các cháu cách tự bảo vệ mình, cha mẹ cần tập bé nhớ một số thông tin quan trọng như tên, địa chỉ nhà, tên cha mẹ, số điện thoại liên lạc khi cần thiết.

Với độ tuổi này, các cháu đã đi học và từng bước tham gia vào các hoạt động xã hội. Vì vậy phụ huynh nên định cho các cháu một số quy tắc như:

- Tuyệt đối không cho bé đeo trang sức hoặc sử dụng các vật dụng đắt tiền vì sẽ thu hút lòng tham của các đối tượng xấu.

- Khi tan học: chỉ đứng ở một khu vực an toàn nhất định trong sân trường; Giới hạn một số người thân có thể đón bé ở trường chỉ có thể là cha mẹ, ông bà hoặc cô, chú...  các thông tin này cũng cần thông báo cho giáo viên của bé để biết mà theo dõi, hỗ trợ.

- Khi ở các khu vui chơi, siêu thị: bé luôn phải đi sát cạnh người thân, không bao giờ được đi theo người lạ. Cần dạy bé nhận biết những người có thể giúp đỡ khi cần thiết như các chú công an, bảo vệ...Nếu xảy ra tình huống bị lạc, các bé nên tìm đến tại quầy thanh toán và yêu cầu nhân viên tại đây giúp đỡ.

Do tâm lý của trẻ thích nhập vai nên phụ huynh có thể đặt ra các tình huống để hướng dẫn trẻ cách làm quen và giải quyết như:

- Người lạ mặt mời bé ăn kẹo hoặc tặng trẻ đồ chơi: bé sẽ khéo léo từ chối và cương quyết không nhận, lập tức tìm đến nơi an toàn, khu vực có các chú bảo vệ hoặc nơi đông người. Nếu người lạ dùng vũ lực kéo bé đi: bé cần la thật to, cố gắng phản kháng để thu hút sự chú ý và cầu cứu người xung quanh.

- Nếu bé ở nhà và có người lạ đến tìm: bé không được phép mở cửa dù bất cứ lý do gì. Có thể dùng điện thoại tại nhà để gọi cho cha mẹ thông báo tình hình...

Ngoài ra cũng có phương pháp khá hiệu quả mà các phụ huynh cũng có thể áp dụng, đó là thiết kế cho trẻ những "Thẻ an toàn" với nội dung các thông tin cần thiết như: tên của trẻ, nhóm máu, địa chỉ nhà, tên phụ huynh và số điện thoại khẩn cấp... "Thẻ an toàn" này sẽ được dán, treo, gắn vào các vật dụng của bé khi ra khỏi nhà.

Những phương án và tình huống cần được nhấn mạnh, lặp đi lặp lại để trẻ tiếp thu và ghi nhớ. Tuy nhiên các phụ huynh cũng cần tránh hù dọa thái hóa về những nguy hiểm từ người lạ với trẻ vì sẽ gây cảm giác hoang mang, lo lắng không cần thiết và khiến bé ngại giao tiếp với xã hội.

Phòng ngừa và xử lý khi trẻ bị bắt cóc 1Xem toàn màn hình
Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng sơ đẳng để tự bảo vệ chính mình khi không có người lớn ở bên - Ảnh minh họa (nguồn: Tienphong)

Cách xử lý khi trẻ có dấu hiệu hoặc bị bắt cóc

* Với trường hợp trẻ có dấu hiệu bị bắt cóc như đi học không về nhà, có thông tin người lạ chở cháu đi... phụ huynh cần nhớ lại xem trước đó bé có xin phép đi đâu không; thẩm định lại các nguyên nhân có thể khiến bé về trễ, mất liên lạc; hệ thống lại các thông tin, đầu mối trong khoảng thời gian từ lúc mình gặp bé lần cuối cho đến lúc mất liên lạc, bé có thể tiếp xúc với ai, tại vị trí nào nhằm xác định manh mối để tìm trẻ.

* Trường hợp cháu thật sự bị bắt cóc: Ngay khi nhận được cuộc gọi của người khả nghi, trước tiên cần xác định độ chân thật của thông tin bằng cách: yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với bé hoặc được xem hình ảnh hiện tại của bé...Phụ huynh cũng nên cố gắng giữ bình tĩnh, tránh để kẻ xấu lợi dụng tâm lý hoảng loạn để uy hiếp. Nếu cần, có thỏa hiệp với đối tượng để kéo dài thời gian, trong khi đó báo cho cơ quan chức năng gần nhất (công an phường nơi xảy ra sự việc), tiến hành ghi âm lại cuộc gọi làm bằng chứng, manh mối để cơ quan chức năng tiến hành điều tra và giải cứu bé trong thời gian sớm nhất.

Theo tư vấn của Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt).

Phòng ngừa và xử lý khi trẻ bị bắt cóc 2
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Ảnh: Tiin.

Phòng ngừa và xử lý khi trẻ bị bắt cóc 3

Bạn đọc có thể tham gia giao lưu trực tiếp với chuyên gia về các vấn đề nuôi dạy con trong Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ (phát sóng trực tiếp từ 20h05 - 21h thứ Sáu hàng tuần). Đăng ký tham gia qua số điện thoại: 39.10.48.66. Chương trình do VOH phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) thực hiện.

Bình luận