Chờ...

SGK điện tử và máy tính bảng cho tiểu học: Xu hướng chung của dạy học hiện đại

(VOH) - Chiều qua 18/8, Sở GD-ĐT TP tổ chức hội thảo sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1,2,3 với sự tham dự của đại diện các cán bộ quản lý giáo dục.
Các thầy cô giáo trải nghiệm mô hình phòng học thông minh với máy tính bảng và thiết bị tương tác. Ảnh: baophapluat

Tại hội thảo, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, sách giáo khoa điện tử sẽ được phát triển trên máy tính bảng, việc thí điểm đưa sách giáo khoa điện tử vào trường tiểu học nhằm trang bị bộ thiết bị có tính tương tác cao cho học sinh, giúp đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy sự năng động sáng tạo, khả năng tư duy cho học sinh, đồng thời khắc phục bất cập của sách giáo mang cặp sách nặng nề, nội dung chương trình sách giáo khoa thường xuyên thay đổi nên phụ huynh phải mua sắm thường xuyên…

Hầu hết các đại biểu cho rằng, sách giáo khoa điện tử tạo thuận lợi cho đổi mới giảng dạy, phù hợp với xu hướng chung của dạy học hiện đại. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả cần đào tạo một đội ngũ giáo viên, nhà quản lý am hiểu, thành thạo sử dụng sách giáo khoa điện tử. Ông Phạm Ứng Dũng, Trưởng Phòng GD-ĐT Q.8 cho biết: “Cần huấn luyện được giáo viên sử dụng chương trình này, còn đối với học sinh thì giáo viên phải là người hiểu sâu và hướng dẫn tốt. Bên cạnh đó, các trường học phải đưa vào giảng dạy để sau này các em có thể tiếp cận ứng dụng ngay”.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng trang bị sách giáo khoa điện tử cần tính toán cân đối kinh phí đầu tư giữa ngân sách với nguồn xã hội hóa đóng góp. Ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng trường tiểu học Hòa Bình cho hay: “Công tác xã hội hóa giáo dục nếu thực hiện đồng bộ hết cho các lớp thì khó, do đó, khi triển khai cần có cơ chế giúp các trường thực hiện tốt”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP HCM đánh giá cao chủ trương xây dựng chương trình sách giáo khoa điện tử cho học sinh bậc tiểu học, đây là một trong những giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Sở GD-ĐT TP cần xây lộ trình triển khai sách giáo khoa điện tử sẽ như thế nào trong từng khối, từng lớp: “Làm sao chúng ta xây dựng một xã hội học tập mà không ứng dụng công nghệ thông tin vào? Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có lộ trình, cần tính toán số lượng trường, lớp, quận, huyện thí điểm và sau 3 năm chúng ta đánh giá xem việc thực hiện như thế nào?”.

Sở GD-ĐT TP cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung kiến rộng rãi từ các nhà chuyên môn, nhà trường, phụ huynh làm cơ sở thực hiện đề án thí điểm đưa sách giáo khoa và máy tính bảng vào trường tiểu học trình Bộ GD-ĐT phê duyệt.