Mục lục
Quy trình dưỡng da không chỉ dừng lại ở các bước chăm sóc cơ bản, nếu muốn đạt được mục đích chống lão hóa, loại trừ các khyết điểm về da, bạn cần phải làm quen với các phương pháp dưỡng da chuyên sâu, trong đó phải kể đến việc sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần 'thanh tẩy' như AHA/BHA. Để đạt được hiệu quả như mong muốn, bạn phải thực sự hiểu AHA/BHA là gì, công dụng của chúng ra sao và cách sử dụng như thế nào mới là tốt nhất.
1. AHA và BHA là gì?
1.1 AHA – Alpha Hydroxy Acid
AHA (Alpha hydroxy acid) là những axit gốc nước có nguồn gốc chủ yếu từ sữa, trái cây và các loại đường. Các AHA phổ biến nhất là Glycolic acid (từ cây mía) và Lactic acid (từ sữa). Hai acid này có tính tan trong nước nên chỉ có tác dụng trên bề mặt da. Ngoài ra, AHA còn có các acid khác như: malic acid (từ trái táo), citric acid (từ cam hoặc chanh) và tartaric acid (từ bưởi).
Tác dụng của AHA
AHA là chất có thể dễ dàng tan trong nước nên có tác dụng trên bề mặt da chứ không thẩm thấu vào da. AHA hoạt động bằng cách tẩy tế bào chết hoặc loại bỏ các lớp trên cùng của da, tái tạo ra các tế bào da mới khỏe mạnh hơn.
AHA đặc biệt hữu ích trong việc chăm sóc các vấn đề về da như:
- Da khô, nứt nẻ, thô ráp
- Da không đều màu, tàn nhang.
- Da có nhiều mụn cám, mụn đầu trắng.
- Da bị lão hóa
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng AHA hoạt động dựa vào việc làm vỡ cấu trúc bề mặt trên cùng của da, loại bỏ tế bào hư tổn và giúp kích thích sản xuất collagen để tái tạo, trẻ hóa, cho làn da khỏe khoắn. Đây cũng là một thành phần quan trọng thường thấy trong các sản phẩm làm sáng da.
Nồng độ AHA sử dụng trong mỹ phẩm
Kết quả chăm sóc da cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ sản phẩm, độ pH thì AHA mới hoạt động tốt. Theo nhiều nghiên cứu, AHA sẽ làm việc tốt nhất ở nồng độ ít nhất là 4%, độ pH khoảng 3 - 4.
AHA chỉ tác động trên bề mặt làn da (Nguồn:Internet)
Nhờ tính chất dễ hấp thu trên bề mặt da và ít kích ứng nên AHA được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm. AHA sử dụng tốt nhất ở dạng gel, cream hoặc lotion. Không nên sử dụng sữa rửa mặt có chứa AHA vì AHA sẽ bị nước làm trôi đi mất trước khi thành phần này có thể phát huy tác dụng.
Dạng Glycolic Acid và Lactic Acid trong AHA thường được sử dụng theo 2 nhóm sau:
Nhóm 1: Trong việc dưỡng da
- Thành phần 2 – 5%: được dùng để tẩy tế bào chết, làm sạch và thoáng lỗ chân lông, hỗ trợ điều trị mụn hiệu quả. Da khô cũng được điều trị ở mức AHA này.
- Thành phần 5 – 10%: Mức AHA này có tác dụng giúp làm da căng mịn, giảm nếp nhăn li ti, giúp da sáng và chắc khỏe hơn.
- Thành phần 12 – 15%: Mức AHA này được dùng trong những trường hợp da bị tổn thương nặng như thâm sạm và sẹo mụn.
Nhóm 2: Trong điều trị chuyên nghiệp
Loại AHA (thường là Glycolic acid) ở nồng độ 20 – 70% được dùng trong các nơi điều trị chuyên nghiệp như spa, thẩm mỹ viện... như một liệu trình lột tẩy da (chemical peel) giúp điều trị thâm mụn, sẹo mụn. Tuy nhiên, việc điều trị này tác động mạnh đến da nên trước khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn kỹ càng tránh các trường hợp gây tổn thương da.
Xem thêm: Lý do khiến mandelic acid là thành phần bắt buộc phải có trong quy trình chăm sóc da
1.2 BHA – Beta Hydroxy Acid
BHA (Beta Hydroxy acid) là dạng acid gốc dầu chỉ có một ‘phiên bản’ là Salicylic acid có nguồn gốc từ acid acetylsalicylic hoặc aspirin.
Tác dụng của BHA
Không giống AHA, BHA có khả năng tan trong dầu nên có thể tác động sâu đến lỗ chân lông, giải quyết các vấn đề thường gặp về tắc lỗ chân lông.
BHA có thể thấm sâu vào lỗ chân lông để tẩy các tế bào chết bên trong (Nguồn: Internet)
Do có thành phần khác nhau nên công dụng của AHA và BHA cũng sẽ không giống nhau. BHA là acid gốc dầu nên hoạt chất này có thể thâm nhập vào lỗ chân lông có chứa chất bã nhờn (dầu) và giúp tẩy tế bào chết ở các lỗ chân lông. Vì thế, BHA sẽ đặc biệt hữu ích với các loại da sau:
- Da dầu
- Da bị mụn
- Da bị rối loạn sắc tố
- Da có vết thâm, mụn
- Căng mịn da mặt.
Nồng độ BHA sử dụng trong mỹ phẩm
Khi lựa chọn một sản phẩm chăm sóc da chứa thành phần BHA để có được tác dụng nhiều hơn, bạn nên sử dụng các sản phẩm có thể thoa lên da lâu như cream, gel, hoặc lotion. Các sản phẩm có chứa ít nhất 1% BHA ở độ pH từ 3 - 4 thì BHA mới phát huy hiệu quả tối đa.
Và mặc dù mang trong mình những tác dụng rất tốt, nhưng việc sử dụng các sản phẩm chứa BHA cũng còn phải tùy thuộc vào từng loại da cũng như mục đích sử dụng. Ví dụ, BHA sẽ phù hợp hơn với những người có da dầu, lỗ chân lông to, da mụn, da nhạy cảm hay sẹo mụn...
Xem thêm: Vì sao quy trình chăm sóc da dầu và da mụn nên có salicylic acid?
2. Cách sử dụng AHA và BHA hiệu quả
Trong quy trình chăm sóc da mặt, bạn nên sử dụng các sản phẩm có chứa AHA/BHA sau khi thực hiện các bước làm sạch và nên làm trước bước dưỡng ẩm da, tốt nhất là nên thực hiện vào ban đêm.
Với những người lần đầu sử dụng các sản phẩm chứa AHA và BHA thì bạn có thể dùng bông tẩy trang thoa một lớp mỏng sản phẩm lên toàn bộ khuôn mặt hoặc vùng da cần chữa trị.
Thông thường, các loại mỹ phẩm chứa AHA và BHA sẽ được hướng dẫn sử dụng ngày 2 lần, nhưng để da tập làm quen bạn nên dùng 1 lần một ngày để da dần hình thành khả năng chịu đựng.
Ngoài việc dùng AHA/BHA cho da mặt thì nhiều người còn sử dụng AHA và BHA để tẩy tế bào chết cho vùng da cơ thể. Khi sử dụng AHA/BHA đúng cách trên da với nồng độ và điều kiện độ pH thích hợp, sau 3 – 4 ngày bạn sẽ thấy làn da trở nên mềm và sáng hơn, các vấn đề thâm mụn hay vết nám cũng sẽ được cải thiện.
3. Phụ nữ mang thai có thể sử dụng sản phẩm chứa AHA/BHA không?
Theo như nhiều nghiên cứu, BHA có cùng nguồn gốc với thuốc kháng sinh (thuốc Aspirin) có thể gây dị tật thai nhi và các biến chứng khác trong thai kì nên các sản phẩm chứa BHA sẽ không an toàn cho phụ nữ mang thai. Vì vậy các bác sĩ thường khuyên mẹ tránh sử dụng quá nhiều hoặc thường xuyên những sản phẩm có chứa BHA.
Phụ nữ mang thai không nên dùng các sản phẩm có chứa BHA (Nguồn: Internet)
Thay vào đó, các mẹ có thể sử dụng AHA (Glycolic Acid, Lactic Acid, Malic Acid). Hiện nay không có nghiên cứu chỉ ra tác hại của AHA khi mang thai và lượng hấp thu từ kem dưỡng qua da cũng rất thấp, tuy vậy các bác sĩ cũng khuyến cáo mẹ chỉ nên sử dụng AHA với liều lượng rất nhỏ (khoảng dưới 2%).
4. Những lưu ý khi sử dụng sản phẩm có chứa AHA/BHA
Trong những ngày đầu tiên sử dụng sản phẩm có thành phần AHA/BHA, da mặt bạn sẽ trông xấu hơn, mụn nổi nhiều hơn, bong tróc. Nguyên nhân là do AHA/BHA đang trong quá trình thanh tẩy tế bào chết và đẩy chất bẩn, bã nhờn từ sâu bên trong ra ngoài bề mặt da.
Tình trạng này thường bắt đầu 3 – 4 ngày sau khi sử dụng và có thể kéo dài từ 2 – 4 tuần. Trong trường hợp da của bạn tiếp tục nổi mụn sau hơn 6 tuần sử dụng thì bạn nên ngưng dùng sản phẩm này hoặc hỏi ý kiến bác sĩ da liễu.
Ngoài ra, khi sử dụng sản phẩm có chứa AHA/BHA bạn sẽ gặp phải một số vấn đề như:
Tình trạng da bong tróc, ửng đỏ và nhạy cảm
Ngoài đẩy mụn, AHA/BHA cũng có thể làm cho làn da của bạn bị bong tróc, đỏ và nhạy cảm. Đó là lý do tại sao thời gian đầu cần sử dụng AHA/BHA với liều lượng thấp để hình thành khả năng chịu đựng của da và giảm thiểu kích ứng.
Lưu ý: Các dấu hiệu này có thể sẽ rõ rệt hơn nếu bạn sử dụng AHA/BHA kết hợp với phương pháp điều trị theo toa như retinoids…
Dị ứng
Dị ứng là tình trạng xảy ra khi da không chấp nhận được thành phần AHA/BHA. Da bạn sẽ trở nên ngứa, đỏ, sần sùi và có thể xuất hiện mụn mủ khắp mặt vô cùng khó chịu.
Để tránh tình trạng dị ứng, bạn nên test sản phẩm ở một vùng da nhỏ, chờ 24 - 48 giờ và xem da có bị phản ứng hay không trước khi bắt đầu sử dụng lên mặt.
Da nhạy cảm hơn với tia UV
Các loại mỹ phẩm có chứa AHA/BHA thường có nhiều thành phần axit và làm nhiệm vụ tẩy da chết, nên làn da của bạn sẽ trở nên mỏng và nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
Vì vậy sản phẩm chứa AHA/BHA được sử dụng tốt nhất vào ban đêm và nếu sử dụng vào ban ngày thì phải kết hợp với kem chống nắng để bảo vệ chăm sóc da tối đa.