Những buổi dã ngoại, đi bơi hoặc đi du lịch cùng gia đình, bạn bè vào những ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần là khoảng thời gian giúp bạn thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, sau những chuyến đi chơi làn da chúng ta thường trở nên đen sạm, khô ráp, thậm chí bị cháy nắng.
Theo bác sĩ Trình Ngô Bỉnh – Khoa Da Liễu, bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Vinmec Central Park TP HCM, những người hoạt động ngoài trời nhiều trong điều kiện thời tiết oi bức, nắng nóng nhưng không che chắn rất dễ khiến da bị cháy nắng đỏ rát. Da nổi hồng và đỏ, đau, cảm giác nóng khi sờ vào và có thể nổi nhiều mụn nước. Một số trường hợp nặng thường kèm sốt, mệt mỏi, nhức đầu.
Nguyên nhân khiến da bị cháy nắng là do tia UVA (có bước sóng 320-400 nm) và UVB (290-320 nm) xuyên sâu vào da làm tổn thương hệ miễn dịch của da, khiến da nhanh chóng mất đi độ đàn hồi và thúc đẩy sự xuất hiện các vết nám, nếp nhăn.
Tia UVA và UVB xuyên sâu vào da làm tổn thương hệ miễn dịch của da (Nguồn: Internet)
Tia tử ngoại làm da cháy nắng và thậm chí có thể gây ung thư da. Thời gian cháy nắng tùy thuộc vào từng loại da, cường độ ánh nắng mặt trời cũng như thời gian phơi nắng. Người có làn da trắng dễ bị cháy nắng hơn người da đen.
Da bị cháy nắng phải làm sao?
Để ‘cấp cứu’ làn da bị cháy nắng đỏ, rát ngay tức thời, bạn hãy làm theo 5 bước dưới đây:
-
Làm mát cho làn da càng sớm càng tốt
Ngay khi phát hiện da bị cháy nắng rát, có dấu hiệu đỏ thì bạn hãy lập tức làm dịu làn da bằng nước mát, khăn lạnh, nước xịt khoáng trong khoảng 10 phút hay vài giờ tùy vào tình trạng, mức độ cháy nắng. Tuy nhiên, không được chà xát nếu không sẽ khiến cho làn da bị tổn thương.
Nếu bị cháy nắng trên toàn cơ thể thì hãy tắm trong bồn nước có pha một chút nước bột yến mạch hòa tan để giúp làm dịu tình trạng bỏng rát và giữ ẩm làn da.
-
Bôi kem dưỡng ẩm
Sau khi làm dịu da, bạn hãy bôi một lớp kem dưỡng ẩm, tốt nhất là nên sử dụng sản phẩm có thành phần lô hội (nha đam), bạc hà hoặc đậu nành để vừa giúp làm dịu da, vừa bổ sung độ ẩm, vừa ngăn ngừa tình trạng mẩn ngứa, bong tróc.
Lưu ý, với những trường hợp da bị phồng rộp, xuất hiện mụn nước và đau rát thì bạn không nên tự dưỡng da ở nhà mà nên đến gặp bác sĩ da liễu để được kiểm tra, thăm khám.
-
Đắp mặt nạ
Đắp nha đam lên vùng da cháy nắng sẽ có tác dụng làm dịu nhẹ làn da (Nguồn: Internet)
Sau khi làn da đã hết bỏng, đỏ sẽ xuất hiện tình trạng tróc vảy hoặc sạm đen. Để khôi phục, làm sáng màu da bạn có thể sử dụng các loại mặt nạ từ thiên nhiên như sữa chua không đường, nha đam, khoai tây... để đắp lên vùng da bị cháy nắng, 2 ngày/lần.
-
Tránh xa các loại mỹ phẩm làm khô da
Làn da cháy nắng đã bị tổn thương sẽ trở nên mỏng manh hơn. Vì thế, nhằm tránh việc da bị kích ứng bạn nên ngưng sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm cho độ kiềm cao giúp bảo vệ tối đa cho làn da.
-
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước sẽ giúp da được khỏe mạnh và sớm phục hồi. Có thể uống các loại nước trái cây có nhiều vitamin E, A, C như: cam, bưởi, cà chua, cà rốt,...
-
Bảo vệ da tối đa trong lúc phục hồi
Khi đang trong quá trình phục hồi làn da bị cháy nắng khi đi biển, đi chơi... bạn nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để không làm tình trạng nặng thêm. Nếu phải ra ngoài, phải bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và chống được cả tia UVB. Đồng thời nên mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang, kính râm.
Lưu ý:
- Không tẩy tế bào chết quá 2 lần/ tuần.
- Hạn chế ra ngoài trong những thời điểm nắng gắt trong thời gian từ 10 giờ – 15 giờ.
- Không chà xát da bằng bông tắm, xơ mướp.
- Không bôi các sản phẩm có chứa cồn. Trường hợp da bị phồng rộp thì không nên chọc vào vết bỏng rộp.
Tài liệu tham khảo
- Trang vnexpress.net
- Trang thanhnien.vn
Chọn kem chống nắng phù hợp cho từng làn da? Bí kíp ở đây! : Thực tế, có không ít trường hợp 'dở khóc dở cười' bởi những hậu quả của việc lựa chọn sản phẩm chống nắng không phù hợp.