Bác sĩ Nguyễn Đức Kiên Bình, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), cho biết ngày 11/6 đơn vị tiếp nhận một trường hợp bị bỏng do bình gas mini phát nổ.
Bệnh nhân là một người phụ nữ trên 40 tuổi (ngụ tỉnh Đồng Nai) được chồng đưa đi cấp cứu.
Sự việc xảy ra trong lúc người phụ nữ này đang chuẩn bị nấu ăn tại nhà. Khi chị bật bếp thì lửa phụt lên và khí gas phát nổ. Hậu quả là vùng thân trên của bệnh nhân gồm lưng, vai, ngực, hai tay, cổ bị bỏng.
Để giảm bớt bỏng rát, người phụ nữ lập tức nhảy xuống ao tôm trước nhà. Sau đó, chị được chồng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Thời điểm bệnh viện tiếp nhận, người phụ nữ tỉnh táo, diện tích bỏng khoảng 50% cơ thể, chẩn đoán bỏng độ 2A. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình tiếp tục điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Kiên Bình: “Hiện mới là giai đoạn đầu của bỏng nên vẫn chưa nói trước được tình hình. Bệnh nhân đã được truyền bù dịch cũng như đề phòng nguy cơ nhiễm trùng máu hoặc biến chứng sốc bỏng. Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ đánh giá mức độ tổn thương mô hoại tử đến đâu và có hướng xử lý tiếp theo”.
Bác sĩ cũng thông tin thêm, trong tình huống cấp bách, nếu xung quanh người gặp tai nạn cháy/bỏng không có nước sạch thì có thể tận dụng các nguồn nước như ao hồ, sông, suối… để loại bỏ lửa, nhiệt trên cơ thể, tránh tổn thương nặng hơn.
Cách đây vài ngày, một bé gái 5 tuổi (Bình Phước) đang chơi sau nhà thì bị thương ở đầu do bình gas mini phát nổ. Sau khi được phẫu thuật cấp cứu, bé tiếp tục được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM).
Các vụ tai nạn nói trên chính là lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn, dễ gây cháy nổ khi dùng bình gas mini không đảm bảo (bình sang chiết lại, bình cũ, rỉ sét…).
Với các gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt là trong thời điểm trẻ đang được nghỉ hè, phụ huynh cần lưu ý tới các đồ dùng dễ gây cháy nổ, để chúng xa tầm tay của trẻ và luôn để mắt đến con em mình.