Đăng nhập

Cứu sống bệnh nhân đột quỵ nhờ can thiệp trong “giờ vàng”

VOH - Một nữ bệnh nhân lớn tuổi bị đột quỵ do tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong đã được các bác sĩ can thiệp thành công nhờ xử trí kịp thời trong khung “giờ vàng”.

Bệnh nhân là bà N.T.K.L., được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh vào khoảng 8 giờ sáng, trong tình trạng đau đầu dữ dội, méo miệng, chảy nước miếng và có biểu hiện rối loạn thần kinh. Trước đó, bà từng thăm khám tại một số cơ sở y tế nhưng chưa được chỉ định điều trị cụ thể. Khi tình trạng chuyển nặng, gia đình lập tức đưa bà đến bệnh viện.

Sau khi tiếp nhận, đội ngũ y bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã tiến hành chẩn đoán nhanh, chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não. Kết quả cho thấy động mạch cảnh trong bên phải của bệnh nhân bị hẹp nặng trên 90%, đe dọa nguy cơ nhồi máu não cấp.

Vào lúc 11 giờ 40 phút cùng ngày, bệnh viện tổ chức hội chẩn khẩn cấp với sự tham gia của các chuyên khoa: Cấp cứu, Nội thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh và chuyên gia can thiệp mạch máu thần kinh. Kết quả chụp mạch não (DSA) xác định bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên phải – gần như không còn dòng máu lưu thông lên não.

Trước tình huống khẩn cấp, bệnh nhân được chỉ định can thiệp nội mạch cấp cứu trong "giờ vàng". Ê-kíp đã tiến hành kỹ thuật nong bóng để mở rộng đoạn mạch bị hẹp, sau đó đặt stent chuyên dụng nhằm tái lập dòng máu lên não.

Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, có thể giao tiếp, không xuất hiện thêm dấu hiệu thần kinh khu trú. Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi sát tại phòng hồi sức sau can thiệp của bệnh viện, với các chỉ số sinh tồn ổn định và tiến triển tích cực.

z6487666302899_8138fc1f8596a08484e9ac7f95793f72Xem toàn màn hình
Trường hợp trên là minh chứng rõ nét cho tầm quan trọng của chẩn đoán sớm và xử trí đột quỵ trong "giờ vàng" – khoảng 4,5 giờ kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng. Ảnh: BVCC

Người nhà bệnh nhân chia sẻ, nếu không được đưa đến bệnh viện kịp thời và được xử trí nhanh chóng, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Đây là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và xử lý đúng cách trong điều trị đột quỵ.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, "giờ vàng" – tức trong vòng 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng – là khoảng thời gian quý giá để can thiệp, giúp cứu sống bệnh nhân đột quỵ và giảm thiểu tối đa di chứng về sau. Việc phối hợp nhanh chóng giữa các chuyên khoa và khả năng triển khai kỹ thuật can thiệp mạch hiện đại đã góp phần quyết định thành công trong những ca cấp cứu như trên.

Đột quỵ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở người trưởng thành. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và xử trí đúng, nhiều bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.

Khi phát hiện những triệu chứng như méo miệng, yếu hoặc liệt nửa người, nói khó, không rõ lời, mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt,... người thân cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có năng lực cấp cứu đột quỵ, không tự ý xử trí tại nhà hoặc trì hoãn.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, những người từ 50 tuổi trở lên, đặc biệt là người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… nên tầm soát định kỳ, kiểm tra sức khỏe mạch máu não để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Bình luận