Chờ...

Đằng sau câu chuyện đổ xô về quê là nỗi lo cơm áo gạo tiền

(VOH) - TPHCM tiếp tục giãn cách thêm một tháng nữa để kiểm soát dịch Covid-19.

Đằng sau câu chuyện đổ xô về quê của người lao động nghèo nhập cư sáng ngày 15/8 là vấn đề cơm, áo, gạo, tiền, là nỗi lo dịch và giãn cách kéo dài thì gia đình sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn. Do tình cảnh thất nghiệp kéo dài nhiều tháng nay, tiền tích lũy không còn, tiền ăn, tiền phòng trọ hàng tháng không có để đóng.

Mặc khác, số ca nhiễm Covid-19 ở TPHCM giảm chưa nhiều nên đó cũng là lý do khiến nhiều người không còn trụ nổi nếu Thành phố tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách. 

Số dân lao động nhập cư tại TPHCM nhiều, Thành phố cũng đã chi đợt 2 với số tiền lên đến 905 tỷ đồng cho lao động nghèo, khó khăn, mỗi hộ được hưởng 1,5 triệu đồng nhưng số tiền đó chỉ đủ trả tiền phòng trọ, còn tiền ăn, ở, sinh hoạt nếu không dành dụm trước đó thì sẽ rơi vào tình cảnh thiếu đói.

Đằng sau câu chuyện đổ xô về quê là nỗi lo cơm áo gạo tiền 1
Một khu trọ tại quận 12 TPHCM. 

Nhiều người lao động tiến thoái lưỡng nan không biết phải làm gì. Về quê không được mà ở lại thì tiền không còn. Lại Khoa Trường, ở địa chỉ khu nhà trọ số 502 tổ 72, khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 cho biết, trước đây em phụ việc trong cửa hàng gỗ, nội thất. Từ đợt giãn cách tới giờ, em chưa nhận được khoản hỗ trợ nào. Trong túi bây giờ không còn một đồng, trong nhà giờ chỉ còn vài gói mì và một ít gạo cũng sắp hết, em rất mong sớm được địa phương hỗ trợ: “Nguyên dãy phòng trọ của em chưa có ai được nhận. Tình cảnh em của giờ chủ nhà trọ cũng lấy tiền hàng tháng. Hồi bữa còn ít tiền cô chủ phòng trọ lại đòi, em cũng vét đóng hết luôn. Lâu lâu có người tới hỗ trợ tặng cho được 1,2 bịch gạo ăn tới giờ, giờ cũng ăn sắp hết rồi. Em mong muốn có được chút tiền hỗ trợ với đồ ăn để sống, được tiêm vắc xin".

May mắn hơn Trường, gia đình Nguyễn Lê Nhân, ở khu phố 7, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, cho biết, nhà có 3 người, lúc chưa dịch thì Nhân theo người ta phụ làm điện lạnh, ba làm phụ hồ, mẹ hàng ngày đi lượm ve chai. Ba tháng gần đây, thực hiện giãn cách nên cả nhà không ai kiếm ra tiền. Tiền mua xe trả góp và tiền nhà trọ, tiền ăn phải chi phí hàng tháng nên rất khó khăn. Mẹ em lượm ve chai nên được phường hỗ trợ 2 đợt, mỗi đợt 1,5 triệu đồng. Tiền phòng trọ mỗi tháng 1,6 triệu đồng. Chủ nhà trọ cũng giảm bớt cho được 400 ngàn đồng.

"Mẹ em lãnh được 2 lần còn ba em cũng đi làm lao động tự do đâu có được lãnh. Tiền đó về cũng đóng tiền nhà trọ. Em mong muốn được hỗ trợ thêm ít lương thực thực phẩm”, Nguyễn Lê Nhân cho biết.

Tại xóm trọ lao động nghèo ở số 268, khu phố 5, Đình Qưới Xuân, đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12, 30 hộ dân nghèo nhưng chỉ mới có 3 hộ được hưởng trợ cấp là hộ chị Trương Thị Yến buôn bán vỉa hè, một chị bán vé số và một chị bán hủ tíu được nhận hỗ trợ đợt này, mỗi hộ 1,5 triệu đồng. Các hộ còn lại vẫn chưa nhận được trợ cấp.

Chị Trương Thị Yến mong xóm trọ được hưởng tiền trợ cấp đầy đủ và có thêm chút lương thực thực phẩm để đỡ đồng nào hay đồng đó: “Nghe nói phụ hồ đợt trước có nhận được 300 ngàn đồng. Ở đây là lao động công nhân, buôn bán vỉa hè, vé số, phụ hồ, thợ hồ... 30 phòng trọ mỗi người mỗi nghề, giờ ăn ở nhà ba tháng trời rồi”.

Một trường hợp lao động nghèo là phụ hồ ở phường Thạnh Xuân, quận 12 khi chúng tôi liên hệ thì em từ chối nghe máy, nhưng trên group diễn đàn, em chia sẻ câu chuyện: “Em là cha đơn thân có một bé, chưa được hưởng tiền trợ cấp của Thành phố. Em không còn tiền để đóng tiền nhà trọ nên chủ trọ nói những lời rất khó nghe. Em lên đây xin ít lương thực gạo để ăn ạ”.

Có đến, nghe và thấy cảnh lao động nghèo ở bậu cửa ngó ra trong những ngày này mới thấy thương. Từng chút rau, quà hỗ trợ cũng khiến họ mừng rớt nước mắt.

Trong giai đoạn khó khăn này, từng địa phương, từng khu phố cố gắng vận động đồng loạt các chủ nhà trọ trên địa bàn giảm hoặc miễn tiền thuê trọ cho người lao động nghèo, bởi chủ nhà trọ dù ít thu tiền một hai tháng họ vẫn còn khoản dự phòng khác để sống, kinh doanh.

Còn người lao động tự do thì khác, nhiều người làm tiền kiếm được tháng nào hết tháng đó, không có tiền dành dụm, mấy tháng không đi làm thì không còn gì để trang trải cuộc sống. 

Tất cả nhà trọ kinh doanh trên địa bàn Thành phố đều có danh sách đăng ký tạm trú, tạm vắng, nên việc hỗ trợ khó có thể sót lọt danh sách, chỉ là cách phân bổ và rà soát.

Trên hết vẫn là tấm lòng, lương tâm và trách nhiệm của những cán bộ để có cách làm tốt nhất, hiệu quả nhất hỗ trợ dân nghèo bởi việc làm này không chỉ giúp lòng người ổn định mà còn để lãnh đạo Thành phố an tâm trong điều hành chống dịch.