Nhân duyên với Dong A Books: Khi tình yêu sách dẫn lối
Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A (Dong A Books) thành lập vào năm 2004, hành trình 20 năm đã mang đến cho độc giả hàng ngàn tựa sách hay, thú vị và bổ ích. Công ty cũng bắt đầu xuất bản một số tựa sách bằng tiếng Anh, với mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức của Việt Nam ra thế giới.
Dong A Books còn phát triển dòng sách ấn bản giới hạn, một điểm nhấn đặc biệt trong ngành xuất bản hiện nay. Các ấn bản giới hạn này không chỉ mang giá trị cao về nội dung mà còn được chăm chút kỹ lưỡng về mặt hình thức.
*Host: Nhân duyên nào anh gắn bó với Dong A Books và nghề làm sách?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Có lẽ đó chính là tình yêu với sách.
Từ nhỏ, tôi đã thích đọc sách, bắt đầu với những cuốn sách trắng đen. Tôi thường tìm đến các thư viện ở giáo xứ, trường học để đọc. Ở nhà, ba tôi có một số cuốn sách, cả sách tôn giáo lẫn sách đời. Hồi bé, tôi rất thích đọc các tác phẩm về bài học của Khổng Tử, Mạnh Tử, cũng như những câu chuyện trong Kinh Thánh.
Những cuốn sách ấy đã nuôi dưỡng tình yêu đối với sách trong tôi, để tình yêu đó lớn dần qua từng ngày. Khi lớn lên, tôi còn có một số người bạn cũng đam mê sách. Chúng tôi thường ngồi với nhau đến tận 2-3 giờ sáng, cùng nhâm nhi trà và trao đổi về sách, đặc biệt là các đề tài lịch sử. Chính những buổi trò chuyện như thế đã làm tình yêu sách trong tôi ngày càng sâu đậm.
Năm 2017, tôi may mắn được chọn vào ekip biên tập cuốn sách “Lịch sử Việt Nam bằng hình”, được biên soạn với định dạng đa hình ảnh, giai đoạn cuối trước khi xuất bản sau 17 năm đầu tư công sức, trí tuệ và niềm đam mê sách của lãnh đạo Dong A Books.
Càng làm sách, tôi càng nhận ra rằng tình yêu của mình với sách ngày càng lớn hơn. Nhờ sách, đời sống tinh thần của tôi trở nên phong phú hơn từng ngày.
Dong A Books và hành trình phục hưng "thú chơi sách" qua ấn bản giới hạn
*Host: Anh nói rằng Đông A chọn một hướng đi để phát hành những ấn phẩm giới hạn. Anh có thể giải thích rõ hơn về ý tưởng đó và giới thiệu một vài ấn phẩm giới hạn?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Trước đây, các ấn bản sách giới hạn đã từng là một thú vui, một thói quen quen thuộc trong ngành xuất bản. Khoảng thập niên 60-70, bên cạnh các ấn bản phổ thông, một số đơn vị làm sách đã thực hiện các phiên bản đặc biệt. Những ấn bản này thường được in trên chất liệu giấy cao cấp hơn, kèm theo minh họa hoặc bìa được thiết kế cầu kỳ, tạo nên sự khác biệt và giá trị sưu tầm.
Tuy nhiên, thú vui này dần mai một theo thời gian. Khi Dong A Books bắt tay vào lĩnh vực này, chúng tôi mong muốn khơi lại nét đẹp của một thú chơi tao nhã, tương tự như "thú chơi sách" của người xưa. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn nâng tầm thú vui ấy, đưa nó lên một đẳng cấp cao hơn. Các ấn bản giới hạn của Dong A Books được thực hiện dựa trên kỹ thuật đóng sách và in ấn thủ công cổ điển phương Tây, sử dụng các chất liệu như bìa da, bìa vải, bìa bút-tram. Bên cạnh đó, chúng tôi còn bổ sung các chi tiết tinh tế như tờ gác, in thủy ấn, trang ex-libris, giúp các ấn bản không chỉ sang trọng mà còn đầy tính nghệ thuật.
Dong A Books mong rằng thông qua những ấn bản giới hạn này, chúng tôi có thể nâng cao tầm thưởng thức sách của người Việt Nam. Sách không chỉ là vật phẩm để đọc, mà còn là tác phẩm trang trí, làm đẹp không gian sống và tôn vinh giá trị tri thức trong mỗi gia đình. Một tủ sách với các ấn bản giới hạn sẽ mang đến bầu không khí ấm cúng, sang trọng và góp phần tạo nên không gian tri thức trong ngôi nhà.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Dong A Books đã phát hành gần 100 ấn bản sách giới hạn, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ độc giả. Một số ấn bản thậm chí được đấu giá thành công với mức giá lên đến hơn 100 triệu đồng, chẳng hạn như ấn bản giới hạn của Bố già. Những sự kiện này cho thấy sức hút và giá trị đặc biệt của các ấn bản giới hạn mà Đông A mang lại.
*Host: Đối với người đọc, đó có thể là một nghệ thuật chơi sách, một đam mê sưu tầm. Còn đối với Dong A Books, liệu đó có phải là một cách để xây dựng thương hiệu?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Đây cũng là một cách để Dong A Books khẳng định thương hiệu của mình trong lĩnh vực sách nghệ thuật, sách thủ công và các ấn bản giới hạn. Đông A không ngừng nâng tầm vị thế mỗi ngày, từ sự định hướng của Tổng Giám đốc Trần Đại Thắng cho đến sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên tại xưởng đóng sách thủ công. Tất cả đều đang không ngừng rèn luyện, trau dồi kỹ năng để các ấn bản giới hạn của Đông A ngày càng đạt được sự tinh xảo, chất lượng cao, tiệm cận và thậm chí có thể vượt qua các tiêu chuẩn của những ấn bản giới hạn được thực hiện tại phương Tây hay Mỹ.
*Host: Khi anh nhắc đến các ấn phẩm giới hạn mà mình đang hướng tới, liệu có phải là nghề làm sách này không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh doanh?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Tôi nghĩ rằng, khi đã là một công ty, một doanh nghiệp chịu trách nhiệm cho cuộc sống của hàng trăm nhân viên như Đông A, không thể nào bỏ qua yếu tố kinh doanh. Sản phẩm của Dong A Books vẫn là một phần trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Đông A mong muốn không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh đơn thuần, mà còn tạo ra một nét đẹp văn hóa, một thú chơi mới, một cách thưởng thức nghệ thuật và một lối sống mới cho độc giả Việt Nam.
*Host: Đối với anh, làm nghề sách sẽ mang lại cho anh những điều gì?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Tôi nghĩ rằng, điều đầu tiên chính là niềm vui khi đam mê của mình được thỏa mãn, và điều này tôi thấy rất rõ ở đội ngũ nhân viên của Đông A. Từ anh Trần Đại Thắng, Tổng giám đốc, người xuất thân là họa sĩ, tình yêu dành cho cái đẹp đã trở thành một phần bản năng trong con người anh. Mong muốn và khát khao của anh luôn là làm cho những ấn bản ngày càng đẹp hơn. Đó chính là giá trị tinh thần, khi một "đứa con tinh thần" ra đời không chỉ thỏa mãn đam mê của chính mình mà còn thể hiện sự tận tâm với nghệ thuật.
Thứ hai, là niềm hạnh phúc khi thấy đam mê của mình được sẻ chia trong một cộng đồng. Hiện tại, dù cộng đồng sưu tầm sách giới hạn còn nhỏ, nhưng nó đã dần hình thành, tạo nên một không gian mà những người yêu sách có thể trao đổi, thân thiết, và quý mến nhau. Họ chia sẻ thú vui và sở thích chung, tìm được tiếng nói chung trong tình yêu với sách. Tôi nghĩ đây cũng là một giá trị đáng trân trọng, khi đam mê cá nhân được lan tỏa và kết nối mọi người lại với nhau qua một sở thích đẹp.
*Host: Khi thực hiện công tác biên tập một cuốn sách, từ khi bắt đầu đến khi cuốn sách được xuất bản, quá trình đó mang lại cho mình những giá trị gì?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Điều đầu tiên khiến tôi yêu thích công việc này là được trở thành người đầu tiên đọc bản thảo của một cuốn sách. Có thể nói, ngoài tác giả – người đã thai nghén và viết ra tác phẩm – thì biên tập viên chính là người đầu tiên tiếp cận với bản thảo sơ khai nhất, còn thô ráp nhất. Tôi nghĩ đây là niềm vui đặc biệt mà chỉ những ai làm trong ngành xuất bản mới có thể thấu hiểu.
Riêng với tôi, việc đọc những bản thảo như vậy không chỉ là một thú vui mà còn là cơ hội để học hỏi rất nhiều. Trong quá trình biên tập, việc tra cứu, chỉnh sửa để nội dung trở nên chuẩn chỉnh và hấp dẫn hơn giúp tôi bồi dưỡng thêm kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Đó là một quá trình vừa làm việc, vừa tự phát triển bản thân.
Cuối cùng, khi cuốn sách hoàn thiện và được xuất bản, cảm giác nhìn thấy thành quả giống như nhìn thấy "đứa con tinh thần" của mình ra đời. Tôi thường nói với các bạn trong đội biên tập rằng, nếu tác giả là người “sinh ra” cuốn sách, thì biên tập viên chính là “người hộ sinh” – người hỗ trợ để tác phẩm ấy được hoàn thiện và chào đời. Chính vì thế, cuốn sách cũng mang một phần tâm huyết của mình, và đó là niềm vui lớn nhất mà tôi nhận được từ công việc biên tập.
*Host: Mối quan hệ giữa người "đỡ đẻ" (người biên tập) và người "tạo ra nhân" (tác giả của cuốn sách) có những yếu tố gì mà chúng ta cần nói đến?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Trong nghề biên tập, tôi luôn ví mình như một “người đỡ đẻ,” và điều quan trọng đầu tiên là phải tôn trọng “người mẹ” – tức là tác giả. Họ là người quyết định họ muốn “sinh con” như thế nào, còn mình sẽ là người hỗ trợ và tư vấn để quá trình ấy diễn ra thuận lợi nhất.
Là biên tập viên, tôi có chuyên môn và kinh nghiệm trong ngành xuất bản, nhưng không ai hiểu rõ “đứa con tinh thần” bằng chính tác giả. Vì vậy, tinh thần làm việc đầu tiên luôn là tôn trọng ý tưởng và mong muốn của họ. Dù tác giả muốn “sinh mổ” hay “sinh thường,” có sử dụng các phương pháp hỗ trợ hay không, tôi sẽ đóng vai trò tư vấn và đề xuất cách làm phù hợp nhất.
Cụ thể, tôi sẽ đưa ra những gợi ý về hình thức xuất bản, cách trình bày, dàn trang, hoặc biên tập nội dung, câu chữ sao cho hoàn chỉnh. Mục tiêu cuối cùng là giúp “đứa con tinh thần” – tác phẩm của tác giả – được ra đời trong trạng thái tốt nhất, đồng thời thu hút được thiện cảm của đông đảo độc giả và tiếp cận được nhiều người nhất có thể.
*Host: Một ekip biên tập hoặc một biên tập viên trong quá trình làm sách đóng góp bao nhiêu phần trăm vào sự hài lòng của tác giả đối với cuốn sách khi hoàn thành, cũng như vào việc tạo ra sự đón nhận tích cực từ phía độc giả?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Thực tế, rất khó để đo lường chính xác vai trò của người biên tập, vì nó phụ thuộc vào chất lượng bản thảo. Nếu bản thảo đã tốt rồi, vai trò của người biên tập sẽ nhẹ nhàng hơn, chủ yếu là chỉnh sửa những chi tiết nhỏ hoặc hỗ trợ tác giả khi họ viết sai ý nào đó, và nếu phát hiện được, biên tập viên sẽ sửa lại. Tuy nhiên, đối với những bản thảo cần chỉnh sửa, gia công nhiều hơn, đội ngũ biên tập sẽ phải bỏ công sức và thời gian nhiều hơn. Tóm lại, công việc của biên tập viên phụ thuộc vào chất lượng của bản thảo khi nhận về.
*Host: Liệu các nhân sự trong nhà xuất bản, như Tổng biên tập, Trưởng ban biên tập, hay chủ sở hữu, có đọc đầy đủ tất cả các cuốn sách trước khi xuất bản không?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Các biên tập viên thường chỉ nhận phần việc của mình, nghĩa là họ chỉ đọc những cuốn sách mà mình trực tiếp biên tập. Tuy nhiên, đối với những vị trí cao hơn như Tổng giám đốc hay trưởng ban biên tập, sẽ có sự lựa chọn riêng. Vì sách ra rất nhiều, mà thời gian thì có hạn, việc đọc hết tất cả các cuốn sách, cả của công ty Đông A, là điều không thể. Ví dụ, ở vị trí trưởng ban biên tập, tôi sẽ đọc những cuốn sách mà mình trực tiếp biên tập và một số cuốn khác của các bạn trong team, nhưng tôi sẽ chọn lựa những cuốn sách mà tôi thấy cần thiết và quan trọng. Những cuốn sách này có thể khó hơn hoặc được bạn đọc kỳ vọng nhiều hơn, nên tôi sẽ đầu tư thêm công sức để đảm bảo chất lượng và sự hài lòng của độc giả.
*Host: Chắc là khi được phân công biên tập một cuốn sách của tác giả nào đó, người biên tập cần phải am hiểu về lĩnh vực của cuốn sách đó?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Thực ra, khi nói đến am hiểu, nó không hoàn toàn là việc mình hiểu hết tất cả, mà có những cuốn sách chuyên sâu vào các lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, thì chúng tôi cần nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia trong các lĩnh vực đó để hiệu đính. Còn với những cuốn sách mang tính kiến thức phổ thông, một biên tập viên thông thường có đủ khả năng để tra cứu, tổng hợp và phân tích tài liệu, vì vậy họ có thể thực hiện công việc biên tập cho những cuốn sách dạng này. Tuy nhiên, đối với những cuốn sách có hàm lượng trí thức cao, là công trình nghiên cứu chuyên sâu hay các công trình mới, Đông A sẽ mời các chuyên gia bên ngoài để hiệu đính.
Văn hóa đọc sẽ ra sao trong kỷ nguyên số?
*Host: Là người tham gia làm sách, anh nghĩ mối quan hệ giữa sách và sự phát triển xã hội và con người như thế nào?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Từ xưa đến nay, sách luôn được xem là kho tàng tri thức quý báu của nhân loại, là cánh cửa mở ra con đường thoát khỏi sự vô minh. Các học giả và trí thức từ lâu đã nhận thức rõ về chức năng của sách, đó chính là nguồn tri thức vô tận. Sách là một nguồn tri thức không ngừng được đào sâu, khám phá và làm mới để giúp cải thiện cuộc sống của con người, giúp xã hội ngày càng phát triển. Trong xã hội ngày nay, sách vẫn giữ vai trò quan trọng như vậy. Nó tiếp tục là nguồn tri thức quý giá và chính thống, cung cấp những hiểu biết và thông tin hữu ích cho mọi người, giúp phát triển năng lực cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
*Host: Thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, rồi bối cảnh tiến đến thời đại 5.0, những người làm sách như anh nghĩ gì về sự tồn tại của sách in và văn hóa đọc?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Trước đây, tôi nhớ không lầm đã có một cuốn sách mang tựa đề "Không thể giết chết sách giấy", nói về sách vật lý, sách giấy. Sách không chỉ là nguồn tri thức để đọc mà còn mang lại một cảm giác đặc biệt khi đọc sách giấy. Có những người yêu thích mùi giấy, từ giấy thô sơ cho đến giấy đã được xử lý, với một hương thơm đặc trưng. Cảm giác đó tạo nên sự khác biệt cho những độc giả yêu thích sách giấy. Mặc dù hiện nay có trào lưu sách nói và sách điện tử, và trong tương lai với sự phát triển của công nghệ, ngành xuất bản sẽ có nhiều thay đổi, tôi vẫn nhìn nhận một cách tích cực về sự phát triển của lĩnh vực này.
Bởi vì như tôi đã nói, sách không chỉ là nguồn tri thức mà còn là một nét đẹp. Nó còn có thể là món quà ý nghĩa, tạo ra một không gian sống văn hóa trong gia đình. Khi mỗi gia đình có một tủ sách giấy, tôi thấy đó là một nét đẹp, một không gian văn hóa sống động và hữu ích. Nó giúp cha con hay vợ chồng có thể chia sẻ những khoảnh khắc đọc sách, trò chuyện, tâm tình cùng nhau. Đối với tôi, đó là một giá trị tinh thần đẹp trong đời sống gia đình.
*Host: Giới trẻ hiện nay sinh ra trong thời đại công nghệ số, tiếp cận với văn hóa đọc qua thiết bị thông minh? Liệu họ có còn giữ được cảm xúc với sách in như thế hệ của chúng ta?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch trong thói quen đọc sách. Sẽ có một lượng độc giả trẻ mới, họ sẽ ưa chuộng sách nói hoặc sách điện tử, vì có nhiều lý do như chi phí rẻ hơn, tiện lợi hơn về mặt thời gian và không gian, cũng như không phải mang vác sách nặng. Sự chuyển dịch này là điều chắc chắn. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng rằng thói quen đọc sách giấy sẽ không bị xóa nhòa nhanh chóng theo thời gian, ít nhất là sẽ còn giữ được một vị trí nhất định trong lòng những độc giả yêu sách truyền thống.
*Host: Quay lại với Dong A Books, anh có thể chia sẻ sứ mệnh của những người làm sách tại Đông A?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Kể từ khi thành lập, Dong A Books luôn theo đuổi mục tiêu mang đến những cuốn sách về tri thức và văn học, với mong muốn đem lại những giá trị nhân văn sâu sắc cho xã hội và cộng đồng. Việc chọn lựa các ấn phẩm xuất bản luôn gắn liền với việc truyền tải các giá trị nhân văn, đặc biệt là tình cảm gia đình và những giá trị cao đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, các cuốn sách về tri thức giúp phát triển năng lực và hiểu biết cá nhân, từ đó trang bị cho các thế hệ độc giả những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, giúp họ đóng góp cho xã hội và phát triển năng lực cá nhân.
*Host: Từ bé được tiếp xúc với sách Kinh Thánh và sách lịch sử, đặc biệt là cuốn "Lịch sử Việt Nam bằng hình ảnh" mà anh tham gia biên tập. Anh chia sẻ về sở thích và gu sách của anh?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Khi còn nhỏ, tôi đọc rất nhiều, và lúc đó mình không có sự chọn lựa. Do không có nhiều sách, tôi thường đọc sách của bố. Những cuốn sách đó chủ yếu là những mẩu chuyện về nhân bản, nhân văn, với những bài học từ kinh thánh và cuộc sống. Sau đó, tôi đọc các sách như "Nhị thập tứ hiếu."
Khi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu đọc các tác phẩm như "Tám Khúc Dĩnh Nghĩa." Đến khi vào cấp ba, tôi bắt đầu yêu thích văn học Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đọc rất nhiều trong suốt ba năm. Tôi cũng đọc thơ Hàn Mặc Tử và những nhà thơ nổi bật trong phong trào thơ mới. Lớn hơn nữa, tôi chuyển sang đọc các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, các tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, và Thạch Lam.
Khi tôi khoảng 20-25 tuổi, tôi bắt đầu đọc những cuốn sách về lịch sử, những tác phẩm mang tính khoa học, chẳng hạn như các sách của Trần Trọng Kim và Đào Duy Anh. Những cuốn sách này đã trang bị cho tôi rất nhiều kiến thức quý báu trong cuộc sống. Đến nay, tôi nhận thấy mình có hai thể loại sách yêu thích nhất: văn học và kiến thức.
Giấc mơ 17 năm, cuốn sách gửi trọn tâm huyết của Đông A
*Host: Anh có thể chia sẻ ấn tượng và giá trị của cuốn "Lịch sử Việt Nam bằng hình ảnh" mà anh đã tham gia ekip biên tập?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Cuốn sách "Lịch sử Việt Nam bằng hình" mà công ty Dong A Books đầu tư phát triển từ khi bắt đầu ý tưởng cho đến khi hoàn thành mất 17 năm, gần như chiếm trọn thời gian hoạt động của công ty. Tôi có hai cơ duyên gắn liền với cuốn sách này. Cơ duyên đầu tiên là tôi làm cộng tác viên biên soạn. Vào năm 2017, tôi biên soạn hơn 10 bài cho cuốn sách này, tôi đã hỏi chị phụ trách khi nào cuốn sách sẽ được phát hành. Chị ấy chia sẻ rằng công ty đang cố gắng để ra mắt, nhưng khi hoàn tất nội dung, cuốn sách vẫn chưa thể hoàn thành dàn trang thiết kế. Có lúc tôi đã nghĩ cuốn sách có thể không bao giờ được xuất bản.
Mãi đến năm 2022, anh Trần Đại Thắng, Tổng giám đốc, đã gọi tôi lên để nói về việc hoàn thiện cuốn sách. Anh nói rằng chỉ còn một chút nữa thôi, và tôi bắt đầu lên dàn trang từ năm 2022. Đến năm 2023, sau kỳ Tết, tôi dành toàn bộ thời gian cho cuốn sách này, trong khi anh Thắng đã đi khắp nơi ở Việt Nam và các bảo tàng quốc tế để sưu tập hình ảnh. Tôi lo phần nội dung, còn anh Thắng lo về hình ảnh. Cả hai chúng tôi phối hợp với một nhóm thiết kế để hoàn thiện cuốn sách trong suốt cả năm.
Cuối cùng, vào tháng 9/2023, chúng tôi đã có bản mẫu đầu tiên, và sau đó, cuốn sách được gửi qua nhà sách ở Đức, trải qua 23 lần in mẫu. Cuối cùng, đến tháng 9/2024, cuốn sách chính thức được ra mắt. Tôi chia sẻ chi tiết này để mọi người hiểu rằng cuốn sách là kết quả của một sự nỗ lực lớn từ phía anh Trần Đại Thắng và toàn thể nhân viên công ty Đông A. Gần như tất cả các thành viên trong phòng biên tập, thiết kế, từ biên soạn, chỉnh sửa, vẽ bản đồ cho đến thiết kế hình ảnh, đều tham gia vào dự án này. Mỗi người đóng góp công sức và thời gian của mình vào cuốn sách này.
Điều tôi ấn tượng nhất chính là quan niệm của anh Trần Đại Thắng, đó là Đông A đã dành tất cả những gì tốt nhất của mình cho cuốn sách này, từ kinh nghiệm, tiền bạc, công sức, cho đến thời gian. Công ty không ngại bỏ công bỏ sức để mang lại sản phẩm tốt nhất. Khi anh Thắng biết rằng có một nhiếp ảnh gia sở hữu bức ảnh đẹp hơn, giá trị hơn, anh không ngần ngại mua lại bức ảnh đó, dù đã tốn công sức chụp ảnh ban đầu. Điều này thể hiện rõ cam kết của Đông A trong việc tạo ra một cuốn sách hoàn hảo, với tất cả những gì tốt nhất từ công ty.
*Host: Có điều gì đặc biệt mà anh Trần Đại Thắng, Tổng giám đốc đã đóng góp trong quá trình thực hiện và sau 17 năm, cuốn sách này có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Câu hỏi này thực sự là tôi đã nghĩ và trả lời nhiều lần rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ tôi có thể chia sẻ một số điều về quá trình hình thành cuốn sách. Vào năm 2007, tức là ba năm sau khi Đông A được thành lập, anh Trần Đại Thắng đã đến tham dự Hội sách Văn Phúc. Đây là lần đầu tiên anh Thắng tiếp cận thị trường xuất bản quốc tế và các ấn phẩm sách trên thế giới. Anh đã bị choáng ngợp khi nhìn thấy thị trường xuất bản quá mạnh mẽ và phong phú, với rất nhiều đầu sách đẹp và chất lượng. Điều này khiến anh nhận ra sự thiếu thốn trong thị trường xuất bản ở Việt Nam, và ngay từ lúc đó, anh đã nảy ra khao khát làm sao để có thể tạo ra một ấn phẩm lịch sử Việt Nam tương tự như vậy, dành cho người Việt.
Lúc bấy giờ, Đông A còn rất nhỏ, chưa có tên tuổi gì trong ngành xuất bản. Vì vậy, việc hợp tác với các đơn vị lớn như DKK, một nhà xuất bản chuyên phát hành các sách lịch sử bằng hình ảnh đẹp, là một điều không dễ dàng. Đông A phải dựa vào các mối quan hệ, các kết nối để có thể làm việc với DKK. Mục tiêu là mua bản quyền những cuốn sách lịch sử thế giới và quân sự của DKK, từ đó học hỏi kinh nghiệm để tạo ra các ấn phẩm tương tự. Mặc dù mục tiêu ban đầu là bán sách, nhưng quan trọng hơn, Đông A muốn học hỏi quy trình, cách thức xử lý văn bản và thiết kế các cuốn sách hình ảnh đẹp như vậy.
Qua quá trình liên tục làm việc với các ấn phẩm của DKK, Đông A dần hình thành được một bản năng và thẩm mỹ riêng trong việc tạo ra những cuốn sách lịch sử bằng hình ảnh. Kinh nghiệm dần được tích lũy, và sau đó, đội ngũ Đông A mới bắt tay vào thực hiện cuốn sách "Lịch sử Việt Nam bằng hình". Tất cả những điều này là một phần trong hành trình dài mà Đông A không ngừng học hỏi, phát triển và hoàn thiện công ty.
*Host: Cuốn Lịch sử Việt Nam bằng hình có nét độc đáo hay giá trị đặc biệt nào mà anh nghĩ đó chính là điều Đông A muốn mang đến cho độc giả nói riêng, và mở rộng hơn nữa là cho cả cộng đồng?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Trước đây, sách về lịch sử Việt Nam đã có, không phải là ít. Có rất nhiều công trình nghiên cứu, cả của các cá nhân và của các cơ quan nhà nước như Viện Sử học. Những cuốn sách đó về nội dung có thể nói là rất đầy đủ, với nhiều cấp độ phù hợp cho cả đối tượng phổ thông và giới chuyên sâu. Tuy nhiên, những cuốn sách này lại thiếu hụt một yếu tố quan trọng, đó là hình ảnh. Khi chúng tôi làm sách theo phong cách của DKK, chúng tôi nhận thấy rằng những cuốn sách lịch sử này rất dễ tiếp cận với nhiều lứa tuổi, đặc biệt là đối với độc giả không chuyên. Sách của DKK có cấu trúc dễ hiểu, chữ không nhiều, các bài viết ngắn gọn, cô đọng, và đặc biệt, hình ảnh giúp sách lịch sử trở nên sinh động hơn. Nó không còn là những kiến thức khô khan mà trở thành những nguồn thông tin sống động, giúp độc giả dễ nhớ và dễ hình dung.
Cuốn Lịch sử Việt Nam bằng hình của Đông A có thể coi là cuốn sách đầu tiên học theo phong cách sách lịch sử bằng hình của phương Tây, với rất nhiều hình ảnh minh họa. Qua cuốn sách này, Đông A mong muốn mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc hơn về những hiện vật lịch sử mà tổ tiên để lại, những cổ vật và di tích sống động. Những hiện vật này là chứng nhân lịch sử, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ của dân tộc.
Dù bảo tàng có rất nhiều, nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận các bảo tàng, đặc biệt là những bảo tàng ở các thành phố lớn hay các tỉnh thành khác. Chính vì vậy, Đông A mong muốn cuốn sách này sẽ trở thành một bảo tàng mini, giúp độc giả ở bất kỳ đâu cũng có thể tiếp cận được những hình ảnh đặc sắc, được sưu tầm từ gần 100 bảo tàng mà anh Thắng đã đi thăm. Cuốn sách này sẽ tổng hợp những bảo vật quốc gia, những hiện vật quý giá, giúp các bạn học sinh từ cấp hai, cấp ba đến đại học có thể dễ dàng hình dung về lịch sử và thu thập thêm những kiến thức bổ ích, từ đó hỗ trợ cho việc học của các bạn.
*Host: Tên của anh Đỗ Quốc Đạt Nhân rất ấn tượng, đặc biệt chữ "Nhân" trùng với tên chương trình Nhân Humanity. Anh có thể chia sẻ ý nghĩa đặc biệt của cái tên này?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Về cái tên của tôi, thật sự khi tôi lớn lên, tôi cũng chưa thấy ai có tên giống mình. Tên tôi có một ý nghĩa đặc biệt mà tôi muốn chia sẻ. Câu chuyện thứ nhất là về lý do tên của tôi được đặt như vậy. Thực ra, nếu không có tôi ngày hôm nay, có thể tên của tôi sẽ không tồn tại. Vào những năm 80, gia đình tôi rất khó khăn. Tôi có một chị và một anh trai, anh tôi tên là Đỗ Quốc Đạt. Khi đó, gia đình rất nghèo và ba mẹ tôi nghĩ việc nuôi dưỡng hai anh chị đã rất vất vả, không nghĩ đến việc sẽ có thêm một đứa nữa. Tuy nhiên, vì một lời hứa của mẹ tôi với một vị thánh trong đạo Công giáo, mẹ tôi đã quyết định sinh thêm tôi. Anh trai tôi khi sinh ra đã được đặt tên thánh là Martino, nhưng vì sự thay đổi trong nghi lễ rửa tội, tên thánh của anh lại được thay đổi. Mẹ tôi cảm thấy như bị mắc nợ vì lời hứa đó. Sau đó, khi tôi ra đời, mẹ tôi đã đặt tên tôi theo chữ "Nhân" trong tên anh trai tôi, Đỗ Quốc Đạt, để trở thành Đỗ Quốc Nhân. Có thể đây là một sự tình cờ, nhưng tôi nghĩ đó là khát vọng của ba mẹ tôi, mong muốn tôi trở thành một người có ích.
Câu chuyện thứ hai mà tôi nhớ là hồi nhỏ, ba tôi chở tôi đến nhà bác, nơi bác tôi bán bún. Khi đến đó, bác tôi, hay còn gọi là dượng, đã phân tích tên của tôi theo một cách khác. Dượng nói rằng tên tôi có thể gắn liền với "Trị Quốc", tức là sẽ cố gắng trở thành người có thể giúp ích cho đất nước. Lúc đó, tôi chỉ là một đứa trẻ, có lẽ học cấp hai, nhưng những lời đó vẫn còn ám ảnh tôi. Tôi không biết có phải đó là một ước vọng từ gia đình hay không, nhưng hiện tại, tôi hy vọng rằng những gì tôi đã làm sẽ góp phần tạo nên giá trị nào đó cho đất nước, dù tôi vẫn còn chưa là gì.
*Host: Anh có tin vào số phận không?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Thực ra, tôi chưa từng nghĩ đến điều này trước đây, nhưng ngoài niềm tin tôn giáo, tôi còn có một niềm tin sâu sắc vào nhân quả. Tôi tin rằng những gì mình gieo, nếu đó là những điều tốt đẹp và tích cực, thì cuối cùng sẽ nhận lại những kết quả tích cực.
*Host: Anh có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của chữ "Nhân" trong tên anh, và liệu nó có liên quan đến số phận, như anh nói về chữ "Quốc"? Sau 17 năm thai nghén, anh nghĩ gì khi tham gia vào cuốn lịch sử Việt Nam bằng hình?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Dạ vâng, có thể đó là một hạt giống đã được gieo từ trước và giờ đây nó đang trổ quả. Có thể coi đó là một phần số phận nào đó đã định sẵn cho tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn có những câu hỏi, những thắc mắc về bản thân mình và những gì tồn tại xung quanh. Những điều này vẫn là những vấn đề mà tôi phải trăn trở. Các giá trị, cuộc sống của tôi, đều là những điều mà tôi cần phải suy nghĩ, phải sống, phải trải nghiệm. Chính qua những trải nghiệm đó, tôi mới có thể đúc kết được những điều ý nghĩa mà mình hy vọng sẽ để lại dấu ấn trong cuộc sống này.
*Host: Khi anh tham gia vào việc ra đời cuốn sách "Lịch sử Việt Nam bằng hình", bố mẹ anh có chia sẻ gì không?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Chắc ba mẹ tôi cũng rất vui, đặc biệt là khi thấy tôi thường xuyên xuất hiện trên báo, đài, hoặc khi được phỏng vấn. Những lúc ra mắt sách, hay khi có các chương trình quay, phóng sự, mẹ tôi thường xem và luôn nói với tôi rằng bà rất thích. Mặc dù ba mẹ tôi không bao giờ trực tiếp khen ngợi những điều đó, nhưng tôi biết họ rất tự hào và vui mừng vì tôi đã làm được những điều có ích cho xã hội.
*Host: Ngoài cuốn "Lịch sử Việt Nam bằng hình" mà anh tham gia chính, anh có ấn tượng hay tâm đắc cuốn sách nào khác của Dong A Books?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Tôi ấn tượng rất nhiều với các đầu sách của Dong A Books, đặc biệt là tủ sách Đông Dương. Trong tủ sách này, Đông A đã xuất bản ba cuốn: Một chiến dịch bất kỳ Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ, và cuốn thứ ba là Hành trình tám điểm Đông Dương. Tôi đã tham gia vào hai cuốn trong số đó. Tôi rất thích đọc sách lịch sử, và những cuốn sách trong tủ sách Đông Dương không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn vén bức màn về giai đoạn lịch sử Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Bên cạnh đó, những cuốn sách này còn có các bức tranh khắc rất đẹp của các họa sĩ nước ngoài, giúp tôi hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, về hình ảnh cuộc sống của tổ tiên ta ngày trước.
Một tủ sách thứ hai mà tôi rất ấn tượng của Đông A là tủ sách văn chương và mỹ thuật. Trong tủ sách này, Đông A xuất bản các tiểu thuyết, các tác phẩm kinh điển của các nhà văn Việt Nam thời kỳ tìm kiếm, như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Kim Lân, Thạch Lam… Và trong những cuốn sách này, Đông A còn mời các họa sĩ đương đại nổi tiếng vẽ minh họa. Những cuốn sách này tạo ra một trải nghiệm đọc mới lạ cho độc giả, với các tác phẩm quen thuộc được đặt trong một không gian mới lạ, qua những bức tranh minh họa có phong cách riêng và cá tính của các họa sĩ. Tôi thấy điều đó thật sự rất hay.
Một số tựa sách văn học của Đông A tôi cũng rất yêu thích, chẳng hạn như Tâm hồn cao thượng, cuốn sách mà Đông A mới phát hành trong năm ngoái với bản dịch mới từ tiếng Ý. Tôi đã đọc cuốn này khá lâu, trước đó là ấn bản Những tấm lòng cao cả với bản dịch của Hoàng Thiếu Sơn, cuốn sách đã để lại ấn tượng sâu sắc với tôi. Thậm chí, từ cuốn sách này, tôi đã có một giai đoạn đi theo nghề nhà giáo. Khi Đông A làm lại ấn bản Tâm hồn cao thượng, tôi đã là người biên tập trực tiếp và rất yêu thích công việc này. Những cuốn sách đó thực sự là những tựa mà tôi rất tâm huyết và yêu thích.
*Host: Anh có thể chia sẻ về những cuốn sách mà anh coi là "sách gối đầu giường"?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Hiện nay, vì tôi đọc khá nhiều sách, nên khái niệm "sách gối đầu giường" của tôi thường xuyên thay đổi. Sau khi đọc hết một cuốn, tôi lại chuyển sang cuốn khác. Tôi không chỉ đọc sách của Đông A mà còn đọc các đầu sách của các nhà xuất bản khác. Ví dụ, hiện tại, mỗi tối ở nhà, tôi đang đọc hai cuốn sách: một là cuốn Linh Sơn của Ca Hoàn Kiện, và hai là cuốn Nexus của Hahari. Đây tạm gọi là hai cuốn sách gối đầu giường của tôi trong những ngày này. Còn ban ngày, tôi tiếp tục đọc sách của Đông A.
*Host: Nếu phải chia sẻ với mọi người về nghề làm sách, anh sẽ nói gì?
Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân: Đối với các bạn trẻ muốn tham gia vào lĩnh vực xuất bản hoặc nghề biên tập, tôi nghĩ đây là một nghề rất thú vị và xứng đáng để các bạn trải nghiệm. Mặc dù công việc này không hẳn dễ dàng, nhưng nó sẽ giúp những ai yêu sách và đam mê ngành này hiểu hơn về bản thân, đồng thời rèn luyện nhiều kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm quý báu, không chỉ trong công việc mà còn trong quá trình học tập và phát triển bản thân.
*Host: Cảm ơn anh.