Đồng hồ thông minh như Apple Watch, Fitbit chứa lượng vi khuẩn đáng kinh ngạc

VOH - Những chiếc đồng hồ thông minh đang giúp người dùng đếm số bước chân, đo nhịp tim của mình, nhưng các nhà khoa học lại đang “đo” được số vi khuẩn đáng “kinh ngạc” trên những thiết bị này.

Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí khoa học Advances in Infectious Diseases cảnh báo rằng gần như tất cả các loại đồng hồ Apple và Fitbits đều chứa vi khuẩn có hại – Theo Nypost.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Florida Atlantic (FAU) thử nghiệm dây đeo cổ tay bằng nhựa, cao su, vải, da và kim loại (vàng và bạc) để tìm kiếm mối tương quan giữa chất liệu của dây đeo cổ tay và sự tích tụ vi khuẩn.

Họ phát hiện ra rằng 95% vòng tay bị nhiễm một số loại vi khuẩn nguy hiểm.

Cụ thể, 85% vòng tay có vi khuẩn Staphylococcus - nguyên nhân gây nhiễm trùng tụ cầu khuẩn, trong khi 60% có vi khuẩn E. coli và 30% chứa vi khuẩn Pseudomonas  có khả năng gây chết người.

Những vi khuẩn này có thể dẫn đến một loạt các bệnh ác tính bao gồm viêm phổi và nhiễm trùng máu.

đồng hồ thông minh
Một nghiên cứu mới cho thấy, dây đeo của Apple Watch và Fitbit có thể bị phủ bởi vi khuẩn có hại - Ảnh: NYpost

Theo Business of Apps, có khoảng 229 triệu người đeo đồng hồ Apple, 120 triệu người dùng Fitbit tính đến năm 2022.

Hàng triệu người dùng đồng hồ thông minh đeo các thiết bị của họ mỗi ngày - cho dù là để theo dõi giấc ngủ, ghi lại quá trình tập luyện, cải thiện sức khỏe tổng thể hay chỉ đơn giản là nhắc họ đứng dậy.

Trớ trêu thay, chúng thực sự đang mang theo một lượng lớn vi trùng có hại nếu không được vệ sinh đúng cách.

Anna Coffey, 34 tuổi ở Chelsea – một người đam mê chạy bộ đã đeo chiếc Fitbit của cô ấy gần như 24/7 trong 2 năm rưỡi qua và tập thể dục khoảng năm ngày một tuần. “Tôi không bao giờ tháo nó ra trừ khi sạc, tức là mỗi tuần tháo ra một lần” - cô nói với The Post.

Cô cũng không bao giờ vệ sinh đồng hồ. “Nó trông rất sạch sẽ, vì vậy tôi không thực sự nghĩ đến việc làm điều đó hoặc nghĩ rằng nó là cần thiết” - cô thú nhận.

Nadine de Vries, 31 tuổi đeo Apple Watch gần như mỗi ngày kể từ năm 2019. Cô tập thể lực khoảng 3-5 lần một tuần và chỉ tắt đồng hồ khi đi ngủ.

“Tôi hiếm khi làm sạch nó. Có thể hai lần một năm, tôi sẽ giặt dây đeo bằng nước xà phòng và lau bên trong nơi dây đeo bấm vào, nhưng rất hiếm khi” - cô chia sẻ với The Post.

Nghiên cứu cho thấy, những người đeo đồng hồ trong khi tập luyện cho thấy mức độ vi khuẩn cao nhất - cụ thể là Staphylococcal. Điều này củng cố tầm quan trọng của việc vệ sinh thiết bị đeo tay thông minh sau bất kỳ hoạt động nào.

Trong khi mức độ hoạt động tương quan với sự phát triển của vi khuẩn, yếu tố dự báo lớn nhất về vi khuẩn là kết cấu của vật liệu dây đeo cổ tay.

Vòng đeo tay bằng cao su và nhựa được phát hiện có số lượng vi khuẩn cao hơn, trong khi dây đeo bằng kim loại - đặc biệt là vàng và bạc - có ít hoặc không có vi khuẩn.

Trung bình, xu hướng chứa nhiều vi khuẩn xếp theo thứ tự là vải ≥ nhựa ≥ cao su ≥ da > kim loại.

vòng tay thông minh
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 95% vòng tay bị nhiễm một số loại vi khuẩn nguy hiểm - Ảnh: Getty 

Xem thêm: Cảnh báo rửa tay sau khi chạm vào trứng đề phòng nhiễm khuẩn salmonella

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng vòng đeo tay bằng nhựa và cao su cung cấp môi trường lý tưởng cho vi khuẩn tụ tập, vì bề mặt xốp và tĩnh cho phép vi khuẩn phát triển.

“Số lượng và phân loại vi khuẩn mà chúng tôi tìm thấy trên dây đeo cổ tay cho thấy cần phải vệ sinh thường xuyên bề mặt các thiết bị này” - tác giả Nwadiuto Esiobu nói với FAU News Desk. 

Ông lưu ý rằng, các nhân viên y tế thường xuyên tập thể dục nên thận trọng trong việc vệ sinh đồng hồ để tránh khả năng lây nhiễm cho những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cao.