Gia tăng bệnh sởi ở người lớn: Chủ quan có thể gây biến chứng nguy hiểm

VOH - Tình trạng chủ quan, cho rằng bệnh sởi chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, đã khiến nhiều người lớn nhập viện với các biến chứng nguy hiểm.

Dịch bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn, đặc biệt trong thời điểm giao mùa.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở người lớn với các triệu chứng nghiêm trọng. Một bệnh nhân nam, 38 tuổi, nhập viện sau 5 ngày sốt cao, đau họng, nổi ban toàn thân.

Bệnh nhân được xác định mắc sởi với các triệu chứng đặc trưng như hạt Koplik ở niêm mạc má, mắt đỏ và viêm đường hô hấp trên. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân may mắn qua khỏi.

soi nguoi lon 2024
Bệnh nhân mắc bệnh sởi bị suy hô hấp cấp điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư - Ảnh: BVCC

Tương tự, một bệnh nhân nữ 37 tuổi bị sốt cao kèm phát ban, khó thở, được chẩn đoán viêm phổi do biến chứng sởi. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Một trường hợp khác, bệnh nhân nam 56 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, tiêu chảy nặng do biến chứng sởi. Sau 4 ngày, tình trạng bệnh nhân cải thiện nhưng quá trình hồi phục vẫn đòi hỏi thời gian dài.

Các chuyên gia y tế cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus họ Paramyxoviridae, lây lan qua đường hô hấp. Virus sởi dễ dàng lây qua giọt bắn hoặc không khí, gây các triệu chứng sốt, phát ban, viêm kết mạc và viêm long đường hô hấp. Đặc biệt, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, và suy hô hấp, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, với gần 5.000 ca dương tính và 5 ca tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tăng mạnh, đặc biệt ở người lớn chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc suy giảm miễn dịch.

Để phòng ngừa bệnh sởi, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tiêm đủ các mũi vaccine sởi, không chỉ cho trẻ nhỏ mà cả người lớn trong nhóm nguy cơ cao. Bên cạnh đó, cần duy trì thói quen vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi đông người và cách ly người bệnh.

Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt, phát ban, hoặc viêm hô hấp, người dân nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Sự chủ động trong việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh sởi sẽ giúp hạn chế nguy cơ biến chứng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Bình luận